Bài toán khó với Tổng thống Trump
Theo Reuters, đề xuất này được phía Lockheed Martin đưa ra trong cuộc trao đổi với giới chức quốc phòng Nhật Bản và sẽ trở thành lời đề nghị chính thức để hồi đáp yêu cầu của Nhật Bản về việc tiếp cận các công nghệ quân sự nhạy cảm sau khi đã được Chính phủ Mỹ “bật đèn xanh”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cung cấp các thành phần nào của 2 chiếc siêu chiến đấu cơ tàng hình hàng đầu của Mỹ hiện nay sẽ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không khỏi “đau đầu” bởi cả 2 đều nằm trong danh mục vũ khí tối mật của quân đội Mỹ.
Trong khi đó, ông Trump cũng muốn thể hiện rằng mình là một Tổng thống biết giữ lời khi cam kết sẽ giúp đồng minh Nhật Bản tiếp cận công nghệ vũ khí hiện đại để nước này có thể đối phó với những bước tiến quân sự “không thể xem thường” từ phía Trung Quốc.
Một quan chức Mỹ cho biết, chiếc chiến đấu cơ mà Lockheed Martin đề nghị bán cho Nhật Bản là “con lai giữa F-22 và F-35” và thậm chí có thể mạnh hơn cả 2 loại siêu chiến đấu cơ nói trên.
Trước đó, Nhật Bản đã mua hệ thống né tránh radar của chiến đấu cơ F-35 để hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Ngoài ra, Nhật Bản cũng muốn đưa vào sử dụng loạt chiến đấu cơ mới bắt đầu từ năm 2030 để đủ sức “xua” chiến đấu cơ Trung Quốc và Nga.
Hiện Nhật Bản vẫn đang sử dụng các chiến đấu cư F-15J và F-2 dựa trên phiên bản Boeing F-15 và Lockheed Martin F-16 của Mỹ. Tuy nhiên, cả 2 chiến đấu cơ này đều đã được sử dụng trong vài chục năm qua và đã trở nên quá lỗi thời.
Sức mạnh tiêm kích siêu âm Mitsubishi F-1 của Nhật Bản
Hiện thực hóa giấc mơ chiến đấu cơ tàng hình
Dù phải nhờ cậy đến sự hỗ trợ của Mỹ trong việc phát triển chiến đấu cơ tàng hình của riêng mình, tham vọng này của Nhật Bản lại xuất phát từ chính sự “phũ phàng” của Mỹ khi từ chối bán động cơ phản lực kép Pratt & Whitney F119 được trang bị cho F-22, hiện được coi là một trong những chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới.
Nhật Bản cũng đã thể hiện tinh thần “tự lực cánh sinh” của mình trong việc nghiên cứu chế tạo chiến đấu cơ tàng hình bằng việc rót tới 40 tỷ USD cho chương trình phát triển máy bay F-3. Tuy nhiên, con số này còn quá thấp so với chi phí 66,7 tỷ USD mà Mỹ dành cho F-22 từ năm 2011 và chỉ như “muối bỏ bể” so với con số “giật mình” lên tới hơn 1.500 tỷ USD cho siêu chiến đấu cơ F-35.
Chính vì thế, Nhật Bản rất muốn tìm kiếm một đối tác quốc tế đủ tin cậy để có thể chia sẻ chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như được quyền tiếp cận những công nghệ mà đối tác đang sở hữu thay vì phải “xắn tay làm từ đầu”.
Nhật Bản triển khai 1 siêu chiến đấu cơ F-35 tại căn cứ Misawa
Những “rào cản” cần phải vượt qua
Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ Nhật Bản, bất kỳ chiến đấu cơ nào mà nước này hợp tác phát triển cùng các đối tác quốc tế cần phải được trang bị động cơ và radar do Nhật Bản thiết kế và một số chi tiết nhất định phải được sản xuất trong nước.
Hồi năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản đã thử nghiệm một phiên bản chiến đấu cơ tàng hình do nước này tự phát triển với chi phí ban đầu là 350 triệu USD.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 20/4 cho biết: “Chúng tôi đang cân nhắc khả năng tự phát triển hoặc cùng phát triển một mẫu chiến đấu cơ mới hoặc cũng có thể nâng cấp năng lực chiến đấu của các chiến đấu cơ hiện tại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng”.
Trước đó, hồi tháng 3, Chính phủ Nhật Bản đã công bố Bản Yêu cầu Thông tin (RFI) cho chương trình phát triển chiến đấu cơ F-3 cho các tập đoàn quốc phòng nước ngoài và gửi tài liệu nêu rõ những yêu cầu chi tiết đối với chương trình này cho Chính phủ Anh và Mỹ.
Ngoài đề xuất từ Lockheed Martin, Nhật Bản cũng đang chờ đợi phản hồi từ phía Boeing về thương vụ mua chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18 Super Hornet và từ BAE Systems- nhà thầu quốc phòng Anh tham gia chế tạo chiến đấu cơ “đa quốc gia” Eurofighter Typhoon.
“Chúng tôi hy vọng có thể cung cấp những lựa chọn giúp Nhật Bản thay thế dòng chiến đấu cơ F-2. Khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm dồi dào của chúng tôi trong việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể trong khi vẫn đáp ứng tốt những yêu cầu về đảm bảo an ninh trong tương lai của Nhật Bản”, người phát ngôn của tập đoàn Lockheed Martin cho biết.
Chiến đấu cơ F-2 được Nhật Bản đưa vào sử dụng năm 2000 và là sản phẩm liên kết sản xuất giữa Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi và nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ.
Là tập đoàn chế tạo chiến đấu cơ hàng đầu của Nhật Bản- từng chế tạo chiếc A6M Zero trong Thế chiến thứ 2- gần như chắc chắn Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi sẽ đảm nhiệm phần quan trọng nhất trong bất kỳ dự án phát triển chiến đấu cơ nào của Nhật Bản./.
Vì sao Nhật Bản “tăng cường năng lực quân sự” vào thời điểm hiện nay?