Mục tiêu của kế hoạch này sau đó là đưa vũ khí hoàn thiện này vào sản xuất trong năm tài khóa 2027. Động thái trên của lục quân Mỹ diễn ra giữa bối cảnh Mỹ nhận thấy các tên lửa Stinger hiện tại ngày càng lỗi thời và kho tên lửa này đang giảm dần, một phần do việc chuyển giao cho quân đội Ukraine để hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Chi tiết về loại tên lửa mới vẫn đang được lục quân Mỹ xem xét và cho tới nay các thông tin được đưa ra vẫn rất hạn chế.
Dù vậy, theo những gì được tiết lộ: "Hệ thống này phải được trang bị để đánh bại các máy bay trực thăng, máy bay không người lái và máy bay tấn công mặt đất với khả năng bằng hoặc lớn hơn khả năng hiện tại của tên lửa Stinger. Hệ thống này cũng phải cải thiện khả năng nhắm trúng mục tiêu với khả năng sát thương và tầm bắn vượt trên các khả năng của hệ thống hiện tại".
Hiện nay, kho tên lửa Stinger đã giảm đáng kể trong những năm qua do các hoạt động huấn luyện, thử nghiệm và các yêu cầu đánh giá. Ngoài ra, quân đội Mỹ đã chuyển hàng nghìn tên lửa này cho Ukraine để tăng cường năng lực phòng thủ của Kiev.
Việc chuyển các tên lửa Stinger cũng như các vũ khí khác cho Ukraine đã làm dấy lên những cuộc tranh luận rộng rãi về việc liệu điều này có thúc đẩy quá trình sản xuất những hệ thống mới nhằm thay thế Stinger hay không.
Lục quân Mỹ dường như đang ủng hộ quan điểm rằng hiện tại là thời điểm phù hợp để thay thế Stinger. Nhà phân tích Joseph Trevithick nhận định trên The Drive rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã nhấn mạnh một thực tế rằng hệ thống phòng không tầm ngắn tiên tiến có vai trò vô cùng quan trọng với lục quân Mỹ cũng như các lực lượng khác. Mối đe dọa từ các máy bay không người lái cỡ nhỏ, vốn đã hiện hữu và ngày càng gia tăng, đã cho thấy nhu cầu cần cải thiện hệ thống phòng không tầm ngắn./.