Chiều 24/12, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức lễ  kỷ niệm 40 năm Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1/1979- 1/2019) tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tới dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương, cựu chiến binh Hải quân và đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng, cán bộ, chiến sỹ Vùng 5 Hải quân.

ta_lon_vov_meou.jpg
Các đại biểu tại lễ tưởng niệm dâng hương, dâng hoa các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Phó đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh quân chủng Hải Quân cho biết: Đầu năm 1978, Pôn Pốt huy động 19 sư đoàn tiến công xâm lược trên toàn tuyên biên giới Tây Nam, tàn sảt dã man hàng nghìn người dân, phá hủy hàng trăm công trình, làng mạc, thị trấn ở các tỉnh biên giới nước ta.

Trước tình hình đó, Quân chủng Hải quân được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm nòng cốt mở Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn với nhiệm vụ: Đánh chiếm cảng Công-pông-xom và quân cảng Ream, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở hướng Nam.

Các cựu binh từng góp mặt trong chiến dịch.

Vào 22h ngày 6/1/1979, sau giai đoạn hành quân vượt biên, Chiến dịch đổ bộ đường biến Tà Lơn bắt đầu. Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ huy các đơn vị: Vùng 5 Hài quân, Lữ đoàn 126 Hải quân, Hạm đội 171 Hải quân và Lữ đoàn 125 Hải quân phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng bí mật đánh chiếm bãi biển dưới chân núi Tà Lơn, tổ chức thành những lớp sóng đổ bộ đưa lực lượng hải quân đánh bộ lên bờ, tạo bàn đạp đồng loạt tiến công trên các hướng và phát triển chiến đấu.

Sau 5 ngày đêm chiến đấu kiên cường tiến công địch, các lực lượng của ta đã hiệp đồng chặt chẽ, đánh nhanh, đánh mạnh, đánh cả trên biển và trên đất liền; bao vây, chia cắt, đẩy địch vào thế bị cô lập và nhanh chóng tan rã. Quân chủng Hải quân hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ đổ bộ, phát triển chiến đấu, tiêu diệt Sư đoàn 164 Hải quân và Trung đoàn 17 Biên phòng của địch, giải phóng thị xã Công-pông-xom và quân cảng Ream. Đây là vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ cửa ngõ ven biển phía Đông Nam của Campuchia.

Kết quả của chiến dịch đã tạo thế, tạo thời cơ cho các lực lượng của ta phát triển chiến đấu giai đoạn tiếp theo, giải phóng toàn bộ khu vực đất đai từ Công-pông-xom đến Kô-Kông với diện tích trên 3.000 km2 và vùng biển, hải đảo của Campuchia; góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng với các cánh quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tổng tiến công, nổi dậy đập tan toàn bộ chính quyền phản động Pôn-Pốt.

Với chiến công của chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, quân đội nói chung và hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương biểu dương, khen ngợi "đã chiến đấu anh dũng làm nên một thắng lợi rất vẻ vang”. Quân chủng Hải quân có năm tập thể được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 79 tập thể và 471 cá nhân được tặng, truy tặng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng./.