Từ thành phố Móng Cái đi dọc cung đường tuần tra biên giới gần 30km, du khách sẽ tới một bản làng người Dao, Sán Chỉ nằm yên bình giữa núi rừng Đông Bắc. Đó là Pò Hèn – địa danh đã đi vào lịch sử như bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng, ý chí kiên cường không khuất phục trước kẻ thù của cán bộ chiến sĩ Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn) cùng công nhân lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp Móng Cái, trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc ngày 17/2/1979.

Chiến tranh qua đi, chiến trường xưa nay là Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn sừng sững, hiên ngang trên triền đồi cao. Ông Hoàng Như Lý, nguyên trinh sát viên Đồn biên phòng 209 (năm 1979), người vẫn thường xuyên đi lại thăm viếng, chăm sóc phần mộ các đồng đội, xúc động.

"Cách đây 40 năm ít ai biết Pò Hèn ở đâu. Đến bây giờ được quan tâm, tôi cũng rất tự hào. Công trình này đã được Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng (BĐBP) kêu gọi nhà hảo tâm, tổ chức xã hội, cựu chiến binh đóng góp sửa sang. Đài tưởng niệm đối với tôi vừa linh thiêng, vừa gần gũi, lịch sử ấy sau này sẽ vẫn mãi ghi lại truyền thống kiên cường của cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đồn, bảo vệ biên giới.

Trải qua nhiều lần tôn tạo, Khu Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn đã hoàn thiện với cổng chào, nhà đón tiếp, khu sân rộng rãi và trung tâm là Ðài tưởng niệm giữa những tán cây xanh. Đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng quay về hướng Bắc; Đỉnh Đài là biểu tượng ba bàn tay chụm vào nhau, tượng trưng cho ba dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ) cùng sinh sống, cùng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn của biên cương đất nước. Chính giữa những bàn tay là ngôi sao năm cánh vàng tươi, biểu tượng cho Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng và ý chí, khí phách kiên cường của những con người nơi biên thùy.

Hai bên Đài tưởng niệm là 2 tấm bia bằng đá xanh. Tấm thứ nhất khắc tên 45 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17/2/1979. Tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ năm 1980-1991 cùng 28 liệt sĩ là công nhân lâm trường và nhân viên thương nghiệp. Dù không phải là những người lính, họ đã anh dũng cầm súng đứng lên, lấy máu xương của mình dựng nên chiến lũy ngăn chặn kẻ thù, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia... Sau làn khói hương trầm là những cái tên đã thành bất tử: Đỗ Sỹ Hoạ - Đồn phó Anh hùng LLVTND, Hoàng Thị Hồng Chiêm - cô nhân viên thương nghiệp Móng Cái…

Năm 2014, Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây cũng là 1 trong 4 công trình văn hóa mang dấu ấn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) trên cả nước. Mỗi năm, có hàng nghìn đoàn khách tới đây để tưởng niệm, bày tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ và bồi đắp lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ.

Chị Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Sơn, cũng là thành viên CLB Thuyết minh viên tại Khu tưởng niệm cho biết: "Trong những năm qua lượng du khách đến với Đài tưởng niệm tăng lên rất nhiều. Mỗi người đến đây đều mang những cảm xúc riêng, người lần đầu tới, được nghe câu chuyện nơi đây không giấu được lòng mình mà rơi nước mắt, xúc động, tự hào và tri ân đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Là thế hệ trẻ, chúng tôi cố gắng, mong muốn góp phần vào bảo tồn, phát huy hơn nữa Khu di tích bằng các hoạt động nhỏ của mình".

Định kỳ, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên xã Hải Sơn, TP Móng Cái cùng cán bộ chiến sĩ Đồn tổ chức chương trình “Ngày xanh bên anh” với các hoạt động trồng cây, dọn vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan; phối hợp đón tiếp, giới thiệu cho các đoàn tham quan... Cùng với điểm đến tâm linh ý nghĩa này, bà con các dân tộc nơi đây đã và đang mở rộng các mô hình du lịch cộng đồng, xóm bích họa, giới thiệu cho du khách những nét đẹp văn hóa bản địa đặc sắc, góp phần phát triển đời sống kinh tế, giữ vững biên cương.

Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn (BĐBP tỉnh Quảng Ninh) cho biết: "Thời gian tới chúng tôi tiếp tục triển khai xây dựng mở rộng khuôn viên, củng cố lại 2 vị trí để giới thiệu tham quan cho du khách, đó là khu trận địa Đồi Quế và trận địa chiến đấu của Trạm biên phòng Pò Hèn. Để tiếp tục phát huy giá trị của Đài tưởng niệm, đơn vị đang cùng với địa phương hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo, đề nghị công nhận là Đài tưởng niệm Di tích cấp quốc gia"

Đường vào Đài tưởng niệm hôm nay là hai hàng sim, phía sau là rừng thông vi vu trong gió. Thời gian tới, cùng với những khu vực được phục dựng, tôn tạo, khi đến với mảnh đất địa đầu Móng Cái, du khách sẽ có thêm hình dung chân thực nhất về những ngày tháng lịch sử, nhắc nhở mình về trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng trong thời bình./.