Năm nay đã là vụ thứ 2 gần 200 gốc ổi của ông Đặng Văn Chiến (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái) cho trái ngọt. Khu vườn mẫu nông thôn mới của gia đình được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn hỗ trợ cây giống, hướng dẫn phương pháp chăm bón, thu hoạch. Ông Chiến phấn khởi, nhờ có vườn cây ăn quả mà thu nhập tăng thêm, đời sống cũng nâng cao, gia đình yên tâm “bám đất, bám biên”.
"Người dân gắn kết cùng lực lượng Biên phòng, không những phát triển kinh tế mà còn cùng nhau kết hợp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn. Bà con rất đồng tình hưởng ứng tham gia phong trào tự quản đường biên, thường xuyên làm “tai mắt” nắm bắt thông tin, báo cáo kịp thời, bảo vệ đường biên, giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế bền vững", ông Chiến chia sẻ.
Với người Dao, Sán Chỉ, Kinh ở Pò Hèn, ý thức về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia luôn hiện hữu và ngày càng được bồi đắp sâu sắc hơn qua công tác tuyên truyền, vận động của những người lính quân hàm xanh. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, bà con không chỉ ký cam kết không vượt biên trái phép, không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật, mà còn tích cực tham gia tự quản đường biên, cột mốc, phối hợp tuần tra, kiểm soát, giữ an ninh trật tự dọc 12 km biên giới, 11 cột mốc với địa hình khó khăn, phức tạp.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng nhận đỡ đầu các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, “nâng bước em đến trường”, sinh hoạt, giao lưu văn hoá, gắn bó chăm lo cho nhân dân…
Trong 2 năm qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới Hải Sơn được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, huy động sự vào cuộc của toàn dân và ngăn chặn hiệu quả nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Qua tuyên truyền, người dân dần đồng thuận, hưởng ứng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với tỷ lệ gần 99%.
Bác sĩ Vũ Đình Quyến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hải Sơn, cũng là y sĩ từng công tác tại Đồn Biên phòng Pò Hèn chia sẻ: "Trong thời điểm đại dịch, tình cảm giữa Trạm y tế và Đồn Pò Hèn, sự phối hợp quân dân y càng thêm gắn bó, càng tạo được động lực cho chúng tôi trong công tác, “giữ xanh” địa bàn, phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội".
Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, 10 chốt trực dọc biên giới không một phút ngơi nghỉ, giữ bình yên cho người dân đón xuân vui tươi, ấm áp. Chắc tay súng, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đều tự hào khi được đứng chân ở mảnh đất anh hùng. Trang sử vẻ vang ấy đã được viết bằng mồ hôi, xương máu, khí phách anh hùng và ý chí quyết chiến, quyết thắng của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ bám trụ nơi tuyến đầu, bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc.
Gần 63 năm thành lập, từ Đồn Biên phòng 209 đến nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều Huân chương, Bằng khen khác. Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) cho biết, truyền thống quý báu đó là nền tảng để cán bộ, chiến sĩ luôn phấn đấu tiếp nối, kế tục sự nghiệp của thế hệ cha anh.
"Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chúng tôi luôn xác định tư tưởng và trách nhiệm, tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, đoàn kết gắn bó với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc địa phương, khắc phục khó khăn, không ngại gian khổ hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển", Thượng tá Tạ Viết Phong nhấn mạnh.
Từ mảnh đất xa xôi nghèo khó, xã Hải Sơn hôm nay đã chuyển mình, là vùng nông thôn mới bình yên nơi biên cương, bà con các dân tộc không chỉ đi rừng, làm nương mà đang dần mở ra các mô hình du lịch văn hoá, sinh thái. Trên đỉnh Pò Hèn, từng đoàn khách tìm về, nghiêng mình trước Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống để hoa đào luôn nở thắm khi Xuân về trên vùng đất này./.