Trong trận thử lửa đầu tiên vào ngày 2 và 5/8/1964, Hải quân Việt Nam đã đánh đuổi thành công tàu khu trục Madoxx của Mỹ ra khỏi vịnh Bắc Bộ, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, và lần đầu tiên bắt sống phi công Mỹ, góp phần vào truyền thống “đánh thắng trận đầu” đầy vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng.
Chiến thắng này là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với quân dân miền Bắc đánh trả cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ phá hoại hậu phương lớn miền Bắc. Đối với các nhà nghiên cứu, chiến thắng trận đầu của Hải quân là minh chứng cho nghệ thuật biến yếu thành mạnh đầy tài tình của quân và dân ta.
Lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân trao thưởng cho tập thể, cá nhân lập công xuất sắc trong chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 1/8, Bộ tư lệnh Hải quân nhận lệnh của Bộ Tổng tham mưu dùng lực lượng đánh tàu địch nếu chúng tiếp tục xâm phạm vùng biển vịnh Bắc Bộ. Thực hiện nhiệm vụ Bộ Tư lệnh Hải quân giao phó, cán bộ Đoàn 135 tàu phóng lôi lệnh cho Phân đội 3 tàu (333/336/339) lên đường đánh địch.
Ông Nguyễn Xuân Bột được giao là phân đội trưởng của đội hình ba tàu này. Ông cho biết, ngày 2/8/1964, trên tàu 333 ông đã chỉ huy đội hình chạy cách nhau 50m vào khu vực Hòn Mê. Mỗi tàu phóng lôi được trang bị một súng máy 14,5mm và 2 ngư lôi, tuy nhiên so với tàu Madoxx hiện đại của Mỹ thì tàu của ta chỉ như người tí hon so với gã khổng lồ, thua kém cả về tốc độ, trang bị, vũ khí và trọng lượng.
“Biết như vậy nhưng tôi ra lệnh từng tàu 336, 339 chiếm các mạn thích hợp phóng ngư lôi để giãn cách cự ly. Lúc đó tôi tăng tốc độ lên 54 hải lý/giờ giờ để đón đầu địch, chiếm các mạn và cự ly thích hợp để bắn ngư lôi và bắn pháo”, Phân đội trưởng phân đội 3 Nguyễn Xuân Bột kể.
Với cách dồn tàu Madoxx vào thế không đủ tầm xa để phát huy lợi thế, nên tàu Madoxx chỉ còn cách bắn phá điên cuồng vào đội hình tác chiến 3 tàu và xoay mũi né tránh thủy lôi của ta. Mặc dù hai tàu của ta bị trúng bom nhưng các đồng đội của ông Bột không nao núng, vừa khẩn trương dập lửa, vừa ngoan cường đánh trả địch. Không thể so tương quan về lực lượng và kỹ thuật, song với chiến thuật hợp lý, đội tàu hạn chế về tính năng kỹ thuật của ta đã buộc tàu địch phải tháo chạy khỏi vùng biển Vịnh Bắc Bộ.
Tàu khu trục Maddox bị tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam đánh đuổi ngày 2-8-1964 (Ảnh tư liệu) |
Sau sự kiện đó, chính quyền Mỹ đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, lấy cớ để tiến công phá hoại miền Bắc bằng đường không. Ngày 5/8, Mỹ sử dụng hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích chia làm 3 đợt bất ngờ tấn công vào các mục tiêu kinh tế, căn cứ quân sự của ta dọc từ ven biển sông Gianh, Quảng Bình đến Bãi Cháy, Quảng Ninh.
Không để bị rơi vào thế bị động bất ngờ, trước đó, lực lượng Hải quân đã lên kế hoạch tác chiến sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất. Cựu chiến binh Dương Trọng Tuệ, phân đội 4, trung đoàn 171, Quân chủng Hải quân, người trực tiếp tham gia đánh trả tốp máy bay Mỹ bắn phá vùng biển cho biết, Bộ Quốc phòng và quân chủng đã biết ý đồ của Mỹ sẽ đánh phá miền Bắc và trong đó sẽ đánh phá Hải quân, cho nên Hải quân làm nhiệm vụ trực chiến sẵn sàng chiến đấu trong thời gian liên tục. Tất cả súng pháo và tàu đều ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng cơ động.
Vừa tham gia đánh đuổi tàu khu trục Madoxx vừa tham gia đánh trả máy bay địch xâm phạm vùng trời, vùng biển miền Bắc, nguyên chiến sỹ rađa Nguyễn Văn Luyện kể lại, lúc 14h40 ngày 5/8/1964 một tốp 8 máy bay của Mỹ lao tới ném bom, bắn roocket vào các tàu Hải quân của ta đang neo đậu tại cửa Lục. Để sử dụng hiệu quả lượng vũ khí có hạn, ông và đồng đội chỉ nhả đạn khi thời cơ thật chín muồi.
Với sự hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng hải quân với bộ đội phòng không, công an vũ trang, dân quân tự vệ, ngày 5/8/1964 quân và dân ta đã bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, và lần đầu tiên bắt sống phi công Mỹ.
Nhìn lại chiến thắng trận đầu vẻ vang ngày 2 và 5/8/1964, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng trong điều kiện thiếu thốn, các tàu hải quân của ta còn nhiều hạn chế về tính năng kỹ thuật, quy mô, lại không có máy bay yểm trợ, nhưng bù lại ta có chiến thuật sáng tạo, hợp lý, và sự ngoan cường dũng cảm của quân và dân nên đã biến yếu thành mạnh, làm nên thắng lợi vẻ vang.
PGS.TS Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam phân tích: “Vũ khí chúng ta có thể ít hơn, nhưng chúng ta có những con người thông minh, sử dụng có hiệu quả vũ khí đó. Cũng là khẩu súng trường, bình thường có thể khó mà chống lại được máy bay phản lực hiện đại, nhưng người dân Việt Nam với tài trí, ý chí quyết tâm của mình dám nhằm thẳng vào máy bay địch lúc nó bổ nhào để bắn viên đạn súng trường làm rơi máy bay địch. Thế giới không làm được nhưng chúng ta làm được”.
Trận chiến ngày 2 và 5/8/1964 đã mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở miền Bắc và đồng bào miền Nam thi đua đánh giặc lập công, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Phát huy tinh thần quật cường của chiến thắng trận đầu, hơn 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam đã luôn nêu cao vai trò nòng cốt cùng với các lực lượng khác ngăn chặn có hiệu quả những âm mưu, hành động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Từng bước xây dựng thế trận liên hoàn: biển, đảo, bờ vững chắc chủ động bảo vệ chủ quyền đất nước./.
Ảnh: Hải quân Việt Nam huấn luyện tàu mặt nước tác chiến trên biển