Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới,  Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 6/6) đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Ba Lan. Cuộc tập trận ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng kịch liệt của Nga.

nato_tap_tran_2_ldps.jpg
Một cuộc tập trận của NATO. Ảnh: RT.com.

Cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Anakonda 16 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong thời gian 10 ngày, ghi nhận kỷ lục về số quốc gia và số người tham gia, với hơn 30.000 binh sĩ đến từ 24 quốc gia, trong đó có 12.000 lính Ba Lan, 10.000 lính Mỹ, khoảng 1.000 lính Anh, cùng binh lính của các nước khác.

Cuộc tập trận sẽ diễn ra trên toàn bộ các thao trường của Ba Lan với 3.000 trang thiết bị kỹ thuật quân sự, bao gồm nhiều xe tăng, xe bọc thép, hơn 100 máy bay các loại và 12 tàu chiến. Đây được xem là cuộc tập trận lớn nhất tại khu vực Đông Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Ba Lan, cuộc tập trận này có ý nghĩa to lớn cả về mặt quân sự và chính trị. Mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm củng cố khả năng phối hợp hành động và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng thuộc từng quốc gia cũng như các lực lượng liên quân trong trường hợp xảy ra thảm họa tại khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz nói: “Cuộc tập trận Anakonda là cuộc diễn tập nhằm mục đích kiểm tra năng lực của các nước đồng minh NATO nhằm bảo vệ khu vực lãnh thổ phía đông của các nước đồng minh”.

Anakonda vốn là cuộc tập trận được lực lượng vũ trang Ba Lan tiến hành 2 năm một lần từ năm 2006. Đến năm 2012 cuộc tập trận này được quốc tế hóa và đưa vào kế hoạch tập trận của NATO, với sự tham gia của các lực lượng vũ trang Mỹ và Canada. Năm 2014, Anakonda diễn ra với sự tham gia của 12 nghìn 500 quân đến từ 8 nước.

Song song với cuộc tập trận Anakonda lần này, NATO cũng sẽ tiến hành các cuộc tập trận mang tên Saber Strike, Swift Response và Baltops nhằm hoàn thiện khả năng cơ động của các lực lượng cùng các trang thiết bị quân sự tại các nước vùng Baltic, cũng như  thực hiện các nhiệm vụ của NATO tại Ba Lan và các nước thành viên khối này.

Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO tại Ba Lan bàn về việc triển khai binh lính đóng tại Đông Âu.

Những động thái trên của NATO đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của Nga. Phát biểu trước báo giới cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Nga không coi sự tồn tại của NATO là mối đe dọa, mà chính những hành động của liên minh quân sự này hiện nay là điều khiến Nga quan ngại.

Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh quan điểm của Nga về sự “bành trướng” của NATO và việc liên minh này phát triển cái gọi là “chương trình đối tác” bằng cách triển khai cơ sở hạ tầng quân sự tại các quốc gia giáp giới với Nga và tiến hành các cuộc tập trận, là không thay đổi. Ông tái khẳng định một trong những mối đe dọa chính đối với an ninh Nga là việc NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông.

Ông Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi không cần phải che giấu thái độ tiêu cực của chúng tôi đối với sự dịch chuyển cở sở hạ tầng quân sự của NATO hướng đến khu vực biên giới của Nga nhằm lôi kéo các quốc gia khác tham gia vào hoạt động quân sự của khối này. Nhân đây, tôi cũng sẽ sử dụng quyền chủ quyền của Nga để đảm bảo an ninh cho đất nước thông qua các biện pháp tương xứng với các nguy cơ mà chúng tôi đang phải đối mặt.”

Quan hệ giữa NATO và Nga trở nên căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng sau sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này hồi tháng 3/2014. Ngoài ra, NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Ukraine là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này./.