Theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, công nghệ quân sự của Trung Quốc "gần ngang bằng” với phương Tây. Sự thống trị của phương Tây về các hệ thống quân sự tối tân có thể không còn là điều tất yếu.

Trung Quốc chiếm 1/3 chi phí quân sự của châu Á trong năm 2016 và cường quốc châu Á này còn tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí.

Năm 2016, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc theo ước tính đạt 145 tỉ USD, nhiều hơn 1,8 lần so với chi phí quốc phòng của Hàn Quốc và Nhật cộng lại. Mỹ là quốc gia duy nhất vượt Trung Quốc với 604,5 tỉ USD chi cho quốc phòng trong năm 2016.

c4n_zvgwaaesaps_dezc.jpg

Nguồn: IISS. 15 nước dẫn đầu về chi phí quốc phòng

Theo phân tích của IISS, về sức mạnh không quân, Trung Quốc "dường như gần đạt được sự đồng đẳng với phương Tây”. Các máy bay không người lái của Trung Quốc đã hiện diện tại Nigeria và Saudi Arabia.

IISS cho hay, vũ khí Trung Quốc xuất sang châu Phi đã chuyển dịch từ việc dùng những mẫu mã thiết kế thời kỳ Liên Xô cũ sang các hệ thống được thiết kế chính tại Trung Quốc.

Không quân Trung Quốc đã "trình làng" tên lửa tầm ngắn "có khả năng tác chiến cao” ở đẳng cấp mà thường chỉ có một số quốc gia hàng đầu về không gian vũ trụ có thể sản xuất.

Thêm vào đó, tên lửa không đối không tầm xa mà Trung Quốc đưa ra diễn tập vào năm ngoái là một mối đe doạ đối với và máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS).

Với sự tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc, theo đánh giá của ông John Chipman, Giám đốc IISS, sự thống trị của phương Tây "có thể không còn là điều hiển nhiên nữa”.

Các nước thành viên NATO chưa đạt chỉ tiêu về quốc phòng

IISS khuyến cáo vũ khí sát thương có xu hướng gia tăng.

Bàn về NATO, viện này cho biết các nước châu Âu "chỉ từng bước” tăng chi phí quốc phòng của mình như tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đề cập.

Chỉ có hai nước thành viên NATO ở châu Âu là Hy Lạp và Estonia đạt chỉ tiêu dành 2% GDP cho chi phí quốc phòng trong năm 2016.

Báo cáo còn chỉ ra rằng Anh đã chi 1,98% GDP vào quốc phòng, thấp hơn so với chỉ tiêu 2% mà NATO đề ra. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh phủ nhận điều này và cho biết "các số liệu của NATO rõ ràng cho thấy Anh chi trên 2% GDP vào quốc phòng."

Các quan chức Anh và IISS đều nhấn mạnh rằng ngân sách quốc phòng của Anh vẫn là lớn nhất ở châu Âu.

Sự lớn mạnh vượt trội của Nga

Với gần 60 tỉ USD chi tiêu quốc phòng, Nga trở thành "mối lo ngại" chính đối với phương Tây. IISS nhấn mạnh rằng thiết bị của Nga vượt trội so với các hệ thống tên lửa và pháo rocket của cường quốc mạnh nhất NATO là Mỹ.

IISS cho hay: "Ví dụ, tên lửa hành trình Kalibr đang được điều chỉnh phù hợp với một loạt các tàu hải quân của Nga, bao gồm tàu tuần tra Bắc Cực."

Theo IISS, NATO cần điều chỉnh lại các chỉ tiêu chi phí quốc phòng để có thể nâng cao năng lực của mình trước sự cạnh tranh của các hệ thống ngày càng tối tân.

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg thừa nhận rằng "bức tranh có nhiều gam màu” bởi một số nước liên minh "đang thực sự gặp khó khăn”. Đơn cử, Italy đang trong tình trang eo hẹp về ngân sách và nước này đang nỗ lực giảm con số thâm hụt ngân sách sau cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro./.