Khi ông Naftali Bennett nhậm chức Thủ tướng Israel, người ta nghĩ ông sẽ có cách tiếp cận khác so với người tiền nhiệm Netanyahu trong vấn đề Iran, vì Iran được coi là một mối đe dọa chiến lược và hiện hữu trong mắt giới chức cấp cao Israel, giống như Israel luôn bị coi là kẻ thù chiến lược của Iran.
Với việc nối lại đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna, Israel đã tăng cường chiến dịch chuẩn bị tấn công quân sự Iran. Còn Iran cố gắng duy trì mối đe dọa tên lửa đối với Israel. Tuy nhiên, mức độ và bản chất cũng như khả năng răn đe của 2 quốc gia có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông về cơ bản khác nhau. Trong khi Iran xác định khả năng răn đe của mình dựa trên tên lửa - bao gồm cả răn đe trực tiếp và mở rộng; khả năng răn đe của Israel lại dựa trên chiến tranh phủ đầu.
Khi căng thẳng về chương trình hạt nhân của Iran leo thang từ năm 2010 đến năm 2013 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, không có cơ sở hạt nhân nào của Iran bị tấn công, mặc dù Israel đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng làm như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó là ông Ehud Barak viện dẫn lý do nước này thiếu sự ủng hộ của chính quyền Obama.
Trên thực tế, chính quyền Netanyahu đã tìm cách ám chỉ với thế giới rằng Israel có cả “quyết tâm” và “khả năng” tấn công Iran nếu hành động phủ đầu này không vấp phải sự phản đối của Mỹ. Ông Netanyahu vẫn không thực hiện được ý tưởng ngay cả dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều đó cho thấy thực tế Israel không có khả năng quân sự độc lập và thực hiện hành động thù địch như vậy mà không phải trả giá nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.
Do đó, bất chấp tuyên bố của các quan chức Israel, chiến lược chung của nước này cho đến nay là tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Iran và tập trung vào chiến tranh bí mật, ít khốc liệt hơn. Điều này đã thay đổi kể từ năm 2017.
Việc Israel mở rộng các hoạt động lật đổ sâu bên trong Iran là một nỗ lực nhằm làm mất uy tín về khả năng răn đe của Iran cũng như phá hoại sự ổn định chiến lược, đồng thời phá bỏ khả năng quân sự và hạt nhân của Iran. Việc tăng cường các hành động quân sự lẻ tẻ nhưng hiệu quả trên đất Iran như ám sát các nhà khoa học, tấn công mạng có chủ đích, phá hoại và đánh bom các cơ sở công nghiệp, an ninh và quân sự Iran… đóng một vai trò lớn trong việc làm suy yếu lợi thế răn đe thông thường của Iran.
Các chiến lược như vậy được thiết kế để khiến Iran rơi vào tình thế khó xử - không thể đáp trả mọi hành động quân sự riêng lẻ và phá hoại quy mô nhỏ, mặc dù việc không đáp trả nhiều cuộc tấn công nhỏ và không chuyên sâu này dần dần sẽ làm mất vị trí chiến lược và uy tín răn đe.
Ngoại trưởng Yair Lapid tuyên bố “nếu cần thiết, Israel có thể tấn công Iran mà không cần thông báo cho chính quyền Biden, trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân”. Vấn đề này trở nên rõ ràng hơn sau vụ ám sát chỉ huy Lực lượng Quds của IRGC, đặc biệt là trong những tháng cuối cùng nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Nói cách khác, nếu Tehran quyết định đáp trả trực tiếp các hành động của Israel, chẳng hạn như vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh và các cuộc tấn công vào các trung tâm công nghiệp và quân sự của nước này, nguy cơ xảy ra chiến tranh với Israel có sự hỗ trợ của Mỹ sẽ tăng lên.
Điều này trên thực tế đã tạo cơ hội cho Tehran không trả đũa dựa trên khái niệm ổn định chiến lược thông thường. Có nghĩa là, ở cấp độ xung đột này, sự tự tin của Iran vào khả năng trả đũa khiến nước này dễ dàng hạn chế và trì hoãn phản ứng. Do đó, từ quan điểm của Iran, ổn định chiến lược thông thường có nghĩa là ngăn chặn xung đột vũ trang ở Trung Đông, đặc biệt là mức độ xung đột đe dọa trực tiếp đến an ninh và lãnh thổ của quốc gia này.
Tuy nhiên, nếu Israel cố gắng làm mất uy tín về khả năng răn đe thông thường và sự ổn định chiến lược của Iran bằng cách tiến hành một cuộc không kích trực tiếp vào lãnh thổ Iran, phản ứng trả đũa của Iran sẽ không giới hạn và mang tính biểu tượng như cuộc tấn công vào căn cứ của Mỹ của Ain al-Assad ở Iraq, vì Tehran sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, buộc Iran phải kiểm tra độ tin cậy tên lửa của mình.
Trong bối cảnh như vậy, trước tiên Iran sẽ buộc phải thực hiện một cuộc đáp trả tên lửa toàn diện mang tính quyết định chống lại Israel. Sau đó, Tehran thay đổi cấu trúc răn đe từ thông thường sang hạt nhân bằng cách rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) để kiềm chế áp lực của dư luận trong nước, duy trì uy tín của nước này với các đối thủ trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Saudi Arabia, thậm chí cả Azerbaijan và để trấn an các lực lượng ủy nhiệm của mình./.