Khi Nga tấn công Ukraine, tàu hải quân gần nhất của NATO đang ở Địa Trung Hải. Tàu chiến của Pháp kết thúc chuyến đi tới Biển Đen từ đầu tháng 1/2022 và không có đồng minh quan trọng nào trong NATO tuần tra khu vực này kể từ đó.
Theo trang Turkishnavy.net chuyên theo dõi hoạt động hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các thông tin được Bộ Quốc phòng Nga công bố, 16 tàu thuộc các hạm đội của Hải quân Nga, gồm cả tàu tên lửa, tàu đổ bộ, đã tiến vào Biển Đen.
Reuters dẫn lời các quan chức, các nhà phân tích an ninh chiến lược cũng như các tư lệnh quân đội đã nghỉ hưu cho rằng, dù củng cố lực lượng trên bộ ở sườn phía Đông, NATO vẫn còn một sườn quan trọng bị để hở, đó chính là Biển Đen.
Sự chia rẽ giữa các thành viên NATO là một trong những lý do chính khiến liên minh quân sự không có một chiến lược chặt chẽ ở khu vực này. Một số thành viên NATO, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, dường như không muốn chấp thuận các cuộc tuần tra hàng hải để tránh khiêu khích Nga. Các yếu tố khác là ngân sách hạn chế và việc một số đồng minh quan trọng trong NATO có những ưu tiên khác.
Tập trung vào sườn phía Đông, NATO để hở Biển Đen
Sự hiện diện của hải quân Nga ở Biển Đen đem lại cho Moscow lợi thế cả về kinh tế và quân sự trước Kiev.
Trong khi đó, Ukraine chủ yếu dựa vào đường biển để giao thương, với hơn một nửa lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của nước này được vận chuyển bằng đường biển. Giới chức Ukraine cho biết, cảng Odessa ở Biển Đen, cảng đông đúc nhất của Ukraine, đã bị tấn công tên lửa ngày 24/2.
Ukraine không phải là một đồng minh của NATO và liên minh này không có nghĩa vụ hiệp ước phải bảo vệ Kiev.
Dù vậy, đầu tháng này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, an ninh Biển Đen có “tầm quan trọng chiến lược sống còn” đối với NATO. Ba trong số các thành viên của liên minh cùng 2 đối tác thân thiết, bao gồm cả Ukraine, có đường biên giới ven biển.
Ông Stoltelberg ngày 24/2 nói rằng, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bao gồm cả lực lượng hải quân, cũng như lực lượng trên không và trên bộ. Ông cũng cho biết NATO có hơn 120 tàu đồng minh “từ phía bắc đến Địa Trung Hải” và hơn 100 máy bay được đặt trong tình trạng báo động cao.
Tới nay, NATO vẫn chủ yếu tập trung vào sự hiện diện trên bộ. Khối liên minh quân sự có kế hoạch triển khai các đơn vị tác chiến trên bộ với tổng số khoảng 4.000 quân tới các quốc gia Biển Đen là Romania và Bulgaria cũng như Hungary và Slovakia, giáp biên giới với Ukraine. Ngoài ra, Mỹ đang điều thêm gần 3.000 binh sĩ tới các nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan và Romania.
Trong khi đó, trước cuộc tấn công ngày 24/2, phía Mỹ cho biết, Nga đã tập trung hơn 150.000 quân gần biên giới Ukraine, bao gồm cả lực lượng ở khu vực Biển Đen.
Nga có lợi thế lớn hơn
Trái ngược với Bắc Cực, các vùng nước ấm của Biển Đen đóng vai trò rất quan trọng đối với Nga ít nhất từ thế kỷ 17. Phó Đô đốc nghỉ hưu của Anh, ông Duncan Potts cho rằng: “Từ thời Peter Đại đế, với tư cách là cường quốc trên bộ, Nga luôn lo ngại về việc thiếu tuyến tiếp cận hàng hải, đặc biệt là các lối đi quanh năm không bị đóng băng”.
Bên cạnh việc sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, nhà phân tích Stephen Flanagan tại RAND Corporation ở Mỹ cho rằng, sự hiện diện quân sự của Nga và việc hiện đại hóa các hạm đội chủ chốt của Nga trong những năm gần đây đã “chuyển cán cân quân sự ở khu vực Biển Đen sang hướng có lợi cho Nga”.
Ông Flanagan cho biết loạt tàu chiến lớn ở Biển Đen, mang lại cho Nga “một lực lượng đáng gờm để tiến hành nhiều hoạt động nhằm vào Ukraine”.
Trong khi đó, sự hiện diện của tàu chiến NATO ở Biển Đen có nhiều biến động. Theo Turkishnavy.net, các lực lượng hải quân Mỹ đã dành khoảng 180 ngày ở Biển Đen trong năm 2021, tăng gấp 3 lần so mức chưa đến 60 ngày trong năm 2016, nhưng giảm so với hơn 200 ngày trong năm 2014.
Theo cơ sở dữ liệu độc lập, các đồng minh NATO ngoài khu vực [Biển Đen] đã triển khai 31 tàu tới khu vực này vào năm 2014, con số này giảm xuống 14 vào năm 2016 trước khi tăng trở lại lên 31 vào năm 2021.
Tàu khu trục lớn gần đây nhất của NATO, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, đã rời Biển Đen vào tháng 12/2021. Hải quân Hoàng gia Anh đã không đến Biển Đen kể từ mùa hè năm 2021.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ có hải quân hoạt động ở khu vực Biển Đen, các đồng minh NATO khác - bao gồm Mỹ và Pháp - hiện chỉ có các tàu hải quân ở Địa Trung Hải.
NATO bị “trói tay”
Một số nhà ngoại giao nói rằng NATO đáng lẽ ra nên thiết lập một phái bộ tuần tra hàng hải ở Biển Đen.
Dù vậy, NATO phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của thành viên Thổ Nhĩ Kỳ; các thành viên liên minh khác giáp Biển Đen – như Bulgaria và Romania - có lực lượng hải quân hạn chế.
Theo Công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát tàu thuyền qua lại giữa Địa Trung Hải và Biển Đen. Tàu từ các quốc gia không thuộc vùng ven biển như Anh và Pháp, mỗi lần tới Biển Đen chỉ có thể lưu lại 21 ngày. Pháp có khoảng 3 cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen mỗi năm.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phải cân bằng mối quan hệ ngoại giao vững chắc giữa Ankara với Moscow với các nghĩa vụ của nước này với tư cách là đồng minh NATO. Theo 2 nguồn tin từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và một đại sứ NATO, các cuộc đàm phán không chính thức gần đây tại NATO với Ankara về một sứ mệnh kiểm soát hàng hải ở Biển Đen đã không đem lại hết quả.
“Chúng tôi đang đánh giá tình hình để chuẩn bị cho mọi tình huống”, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters vào ngày 10/2. NATO trước đó từ chối bình luận trực tiếp về khả năng thực hiện một sứ mệnh tuần tra ở Biển Đen.
“NATO bị trói một tay sau lưng”, ông Paul Taylor, nhà phân tích châu Âu tại tổ chức nghiên cứu Friends of Europe, đề cập đến sự miễn cưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc áp đặt thêm quyền kiểm soát đối với Biển Đen./.