Các phương tiện truyền thông quốc tế đang đồn đoán rằng Nga có thể đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-300 tới Syria. Tuy nhiên các quan chức quân sự Nga cho đến nay không nói cụ thể loại tên lửa nào mà họ đang triển khai.

Người đứng đầu lực lượng không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev khẳng định: “Chúng tôi đã cân nhắc tất cả các mối đe dọa có thể có. Chúng tôi đã triển khai tới Syria không chỉ chiến đấu cơ phản lực, máy bay tấn công, máy bay ném bom, trực thăng mà còn cả các hệ thống tên lửa”. 

1024px_s_300_launcher__2009_0_waai.jpg

Hệ thống S-300 của Nga. (Ảnh: Archlinux/Wikipedia).

Nếu Nga đã thực sự triển khai hệ thống tên lửa S-300 (do Almaz-Antey sản xuất) ở Syria thì đó có thể sẽ là thách thức lớn cho các chiến dịch không quân của Mỹ và đồng minh.

Almaz-Antey hiện đang chế tạo 2 phiên bản của hệ thống này là S-300PMU2 và S-300VN (hay còn gọi là Antey-2500). Cả hai hệ thống này đều có tầm bắn gần 200km và có thể vươn tới mục tiêu cao 100.000 feet (hơn 30 km). Hệ thống S-300 có thể tấn công một lúc hơn 6 mục tiêu khác nhau.

Một phi công của lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đánh giá: “S-300 là một mối đe dọa chết người đối với tất cả mọi thứ trừ các chiến đấu cơ và máy bay ném bom tàng hình hiện đại nhất. Nó là thứ thay đổi cuộc chơi hoàn toàn đối với tất cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-15, F-16 và F/A-18”.

Nếu đã triển khai S-300, hoặc thậm chí là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không chiến lược S-400 tối tân hơn tới Syria, thì Nga có thể biến các khu vực ở Syria thành những vùng cấm bay đối với máy bay của Mỹ và đồng minh.

Chỉ có loại chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-22 Raptor và B-2 Spirit của Không quân Mỹ mới có thể hoạt động ở trong các khu vực được bảo vệ bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.

Tuy nhiên, ngay cả các chiến đấu cơ hiện đại này cũng gặp phải thách thức nếu có đủ số lượng S-300 được bố trí thành một mạng lưới phòng không tổng hợp. Số lượng và vị trí bố trí của các hệ thống S-300 sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Một thách thức nữa đối với các đối tượng tác chiến của S-300 đó là hệ thống này có tính cơ động rất cao.

Về mặt lý thuyết, siêu chiến đấu cơ F-35 của Mỹ do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất vẫn có thể hoạt động trong tầm bao quát của các hệ thống tên lửa đất đối không chiến lược hiện đại này của Nga – ít nhất thì đó là điều mà Mỹ đang khẳng định. F-35 hiện đang hoạt động với lực lượng Thủy quân Lục chiến của Mỹ.

Tướng Không quân Mỹ Herbert Carlisle tuyên bố tại Hội nghị Hàng không Vũ trụ 2015 của Hiệp hội Không quân Mỹ: “F-35 đã trình diễn rất tốt và nó có thể thâm nhập vào các vùng phòng không mà các loại máy bay chiến đấu khác không thể vào được, và nó có thể sử dụng vũ khí điện tử để tiêu diệt đối phương, đánh bại năng lực phòng thủ đất đối không, trong khi đó vẫn bảo vệ an toàn cho hệ thống cảm biến của mình”./.