Mỹ đang bước vào một cuộc chạy đua tên lửa nhằm ngăn chặn các vũ khí siêu thanh mới đây nhất của Nga, một mối đe dọa mà Lầu Năm Góc thừa nhận rằng Mỹ hiện nay không có hệ thống phòng thủ nào ngăn chặn được.
Thừa nhận chưa có khả năng ngăn chặn loại vũ khí siêu thanh ông Putin tiết lộ năm 2018, Mỹ bước vào cuộc chạy đua chế tạo tên lửa mới nhằm đối phó với Nga. Ảnh: Defense Advanced Research Projects Agency |
Vũ khí siêu thanh là loại vũ khí có thể di chuyển trong bầu khí quyển ở tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh. Trong khi đó, Nga thông báo một số hệ thống vũ khí có khả năng hạt nhân của nước này thậm chí còn có thể vượt xa giới hạn đó. Ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về Nghiên cứu và Kỹ thuật của Lầu Năm Góc Michael Griffin cho biết tại một Hội nghị Thượng đỉnh về vũ khí rằng: "Nếu chiến tranh nổ ra vào ngày mai, chúng ta có lẽ không thể tiêu diệt được các tên lửa siêu thanh có quỹ đạo dạng tàu lượn này" - loại vũ khí mà Tổng thống Putin đã tiết lộ vào năm 2018.
Ông Griffin cho biết giải pháp tương lai nhằm ứng phó với loại vũ khí này là những vũ khí laser có tốc độ ánh sáng nhưng cho đến khi công nghệ này có thể triển khai, Mỹ cần nhanh chóng sản xuất ra các loại tên lửa mới đối phó với đe dọa từ phía Nga.
Đối với vấn đề này, Lầu Năm Góc đã và đang bắt đầu đầu tư vào khả năng siêu thanh trên mặt đất, trên không và trên biển của các loại vũ khí của Mỹ. Khi Hải quân và Không quân theo đuổi các dự án này, Lục quân Mỹ được cho là cũng đang huy động hơn 1 tỷ USD để xây dựng hệ thống vũ khí siêu thanh tầm xa phóng từ mặt đất trong vài năm tới. Tờ The Diplomat ngày 22/3 cho biết, bất kể đó là loại vũ khí đó là gì thì tầm bắn thực sự của nó sẽ đạt khoảng 2.253 km - một đặc điểm vi phạm điều khoản của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ vừa rút khỏi hồi tháng trước và Nga sau đó cũng nhanh chóng có động thái tương tự.
Tổng thống Putin cũng cảnh báo nếu Lầu Năm Góc sử dụng các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị cấm trong Hiệp ước, Nga sẽ nhắm vào không chỉ các hệ thống tên lửa ở châu Âu và còn cả các "trung tâm ra quyết định" tại Mỹ - nơi mà các vũ khí siêu thanh được cho là có thể tấn công chỉ trong vòng 5 phút.
Căng thẳng Nga và Mỹ leo thang không chỉ bởi Washington rút khỏi Hiệp ước INF và có thể sẽ là Hiệp ước START mới, mà còn bởi những nội dung trong Đánh giá Phòng thủ Tên lửa năm 2019 của Tổng thống Trump. Đề xuất đầy tham vọng này đã lên kế hoạch cho việc triển khai các công nghệ vũ khí siêu thanh và tên lửa hành trình mới của Mỹ, bao gồm có các máy bay đánh chặn từ không gian và theo khẳng định của Tổng thống Trump thì nó sẽ "phát hiện và phá hủy bất kỳ tên lửa nào nhắm vào Mỹ ở mọi lúc, mọi nơi".
Kế hoạch này của Washinton khiến điện Kremlin lo ngại rằng lá chắn tên lửa toàn cầu của Mỹ có thể cản trở khả năng tấn công của Nga. Phản ứng trước dự án của Tổng thống Trump, cả Nga và Trung Quốc đều cảnh báo Mỹ đang gây ra nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang.
Trong số các vũ khí siêu thanh được tiết lộ tại buổi đọc Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin năm 2018 có phương tiện lượn siêu thanh Avangard và tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kinzhal. Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh khi năm 2018, truyền thông nước này thông báo về các cuộc thử tên lửa DF17 được trang bị trên một phương tiện lượn và máy bay siêu thanh Starry Sky-2. Trung Quốc được cho là đang phát triển "Vạn lý trường thành bằng thép" để ngăn chặn các loại tên lửa, bao gồm cả các vũ khí siêu thanh./.
Video: Robot “sát thủ” của Nga phô diễn kỹ năng hoạt động