Sự lợi hại của MQ-1C Grey Eagle
Thương vụ này cần có sự chấp thuận cả Bộ Ngoại giao lẫn Quốc hội Mỹ vì luật pháp Mỹ không cho phép bán máy bay không người lái có vũ trang cho các quốc gia khác ngoại trừ những đồng minh thân cận của Washington. Nếu thương vụ được thông qua, các đơn vị vận hành tại Ukraine sẽ được cung cấp một khóa đào tạo nhanh, dự kiến kéo dài vài tuần (thông thường, thời gian đào tạo nhân viên vận hành MQ-1C kéo dài vài tháng). Điều đó đồng nghĩa với việc MQ-1C Grey Eagle có thể được đưa vào hoạt động tại Ukraine sớm nhất là khoảng tháng 7 năm nay.
MQ-1C Grey Eagle là hậu duệ của máy bay không người lái chiến thuật (UAV) RQ / MQ-5 Hunter do Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ phối hợp phát triển. Chương trình phát triển loại UAV này được bắt đầu vào năm 1989 và đạt “độ chín” sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ. UAV Hunter không phải là hệ thống vũ khí được thiết kế để tồn tại trong một cuộc xung đột tiềm ẩn, thay vì đó nó hoạt động trong Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu (GWOT).
Lịch sử hoạt động của Hunter UAV phản ánh điều này. Trong quá trình thử nghiệm vào năm 2002, Hunter được sử dụng để thả các loại bom, đạn chống tăng nhỏ (BAT) có khả năng tiêu diệt các phương tiện bọc thép. Nhưng đến năm 2005, UAV này đã được sửa đổi để thả một quả bom dẫn đường bằng laser chống lại phiến quân ở Iraq.
Tuy nhiên, khi các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng, các chỉ huy chiến trường đòi hỏi một loại UAV thực hiện được nhiều nhiệm vụ hơn, từ hạ gục mục tiêu đang di chuyển trong môi trường khó tiếp cận đến việc bay lảng vảng trên chiến trường và thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào những mục tiêu tĩnh. Yêu cầu của GWOT nhanh chóng vượt quá khả năng của UAV Hunter.
Chính vì thế, quân đội Mỹ đã bắt tay tìm kiếm một loại UAV có khả năng mang tải trọng lớn hơn, giúp nó thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát, phát hiện mục tiêu, chỉ huy, kiểm soát, thu thập thông tin tình báo dưới dạng tín hiệu (SIGINT), tác chiến điện tử, tấn công và phát hiện các thiết bị nổ, thậm chí đánh giá thiệt hại trong một trận chiến. Nói tóm lại, đó là phương tiện hỗ trợ cho hầu như tất cả các lĩnh vực trong chiến đấu.
Yếu tố chính thúc đẩy việc chế tạo phiên bản mới của Hunter là việc thực hiện một loạt nhiệm vụ khác nhau. Đây là lý do MQ-1C đã được lựa chọn và đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 2009. Đến năm 2010, MQ-1C đã được triển khai trong chiến đấu ở cả Iraq và Afghanistan, với hệ thống vũ khí chủ đạo của nó là tên lửa Hellfire dẫn đường bằng laser.
“Phòng thí nghiệm” UAV của Mỹ
Nếu như dòng UAV này đạt hiệu quả trong việc chống lại lực lượng nổi dậy ở Iraq thì trong cuộc xung đột tại Afghanistan và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, quân đội Mỹ nhận ra rằng nó không đáp ứng yêu cầu mà họ cho là “hoạt động chung tại tất cả các khu vực” hoặc “cuộc chiến tương lai” chống lại những đối thủ ngang hàng như Nga.
Những cảm biến của MQ-1C vốn rất lợi hại trong cuộc chiến chống phiến quân và khủng bố, đã nhanh chóng trở nên lỗi thời. Để có thể tồn tại trên chiến trường hiện đại, “Đại bàng xám” đòi hỏi những cảm biến mới cung cấp khả năng phát hiện mục tiêu dự phòng, có thể được sử dụng để hỗ trợ Hệ thống pháo phản lực tầm xa có độ chính xác cao (LRPF) của quân đội. Vũ khí này cũng cần có khả năng ứng phó với hệ thống phòng không tích hợp (IADS) của đối phương và triển khai máy bay không người lái mini được trang bị cảm biến vào lãnh thổ của đối phương để phát hiện, xác định và định vị mục tiêu cần tiêu diệt.
Khả năng này hiện không tồn tại trong quân đội Mỹ, điều đó có nghĩa là những chiếc “Đại bàng Xám” mà Mỹ đang có kế hoạch cung cấp cho Ukraine không được thiết kế chiến đấu và tồn tại trên chiến trường hiện đại, điển hình như cuộc xung đột Nga-Ukraine.
MQ-1C có kích thước gấp đôi Bayraktar TB2 - máy bay không người lái thông dụng nhất của Ukraine, do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. TB2 đã đạt được một số thành công ở Libya, Syria, Nagorno-Karabakh và giai đoạn đầu của cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, Moscow hiện giờ đã tăng cường hệ thống phòng không của mình, với việc bắn hạ khá nhiều TB2 kể từ khi chiến sự bắt đầu. Rất có thể UAV MQ-1C cũng sẽ chịu số phận tương tự.
Tất nhiên, Mỹ có thể có những tính toán riêng. Số lượng UAV MQ-1C dự kiến chuyển giao cho Ukraine là khá ít, chỉ có 4 chiếc và ngay cả khi chúng sống sót trên chiến trường, lợi thế mà chúng có thể cung cấp cho Ukraine cũng không rõ ràng. Nhưng nếu hoạt động của UAV MQ-1C được coi như một thử nghiệm để Mỹ phát triển các chiến thuật nhằm đánh bại IADS của Nga, thì với giá của 4 chiếc MQ-1C, Washington có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu USD cho nghiên cứu và phát triển.
Ukraine hiện đang gặp nhiều bất lợi trước Nga trong cuộc chiến tại miền Đông và những thiết bị quân sự mà Mỹ cùng phương Tây cung cấp cho Kiev rất khó đảo ngược tình thế này. Washington có lẽ cũng biết rõ điều đó.
Vì thế, đã có những câu hỏi về mục đích của Mỹ khi cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí công nghệ cao như MQ-1C với số lượng hạn chế ở giai đoạn mà xung đột đang bước vào thời điểm quyết định. Ông Scott Ritter - cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ, tác giả của bài viết “Giải trừ quân bị trong thời kỳ Perestroika: Kiểm soát vũ khí và sự kết thúc của Liên Xô” cho rằng, câu trả lời nhiều khả năng nhất là Mỹ đang coi chiến trường Ukraine như một nơi thử nghiệm vũ khí. Nếu nhận định này là đúng, Washington sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị trượt sâu vào cuộc xung đột Ukraine, cũng như đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn./.