Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Viện Vũ khí hạt nhân Triều Tiên nêu rõ, vụ thử nhằm kiểm chứng sức công phá của một đầu đạn hạt nhân mới phát triển, đồng thời khẳng định "đây chắc chắn là cấp độ cao hơn của công nghệ lắp đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo của Triều Tiên".

no_hat_nhan_xlwq.jpg
Một vụ thử hạt nhân. (Hình ảnh minh họa).

Theo Hàn Quốc , đây là vụ thử hạt nhân lớn nhất của Triều  Tiên từ trước đến nay. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cũng thực sự bày tỏ lo ngại về năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Yun nói: “Năng lực hạt nhân của Triều Tiên đang gia tăng lên một mức độ đáng kể. Vụ thử hạt nhân thứ 5 này là mạnh nhất về qui mô và thời gian thực hiện hai vụ thử đang ngày càng được rút ngắn hơn”.

Tờ Thời báo Niu Ooc ( "The New York Times",) hôm qua cũng có bài nhận định, vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên rất đáng ngại không chỉ vì nước này đang dần làm chủ được công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử, mà còn vì Triều Tiên đang đạt tiến triển trong chương trình phát triển loại tên lửa có thể đưa đầu đạn hạt nhân đi nửa vòng Trái Đất, đe dọa các vùng lãnh thổ của Mỹ. Trong một báo cáo hồi đầu năm, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng từng cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng,  một trong những tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên, nếu được hoàn thiện sẽ có thể vươn tới hầu hết phần lục địa của Mỹ.

Theo đánh giá của giới phân tích, chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang được đẩy mạnh qua hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân. Rõ ràng, Triều Tiên vẫn tìm cách khẳng định vị thế là một cường quốc hạt nhân trên thế giới. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần xem xét một cách nghiêm túc về vị thế hạt nhân hiện nay của Triều Tiên.

Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân,  Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10/9 đã nhất trí lập tức khởi động quá trình soạn thảo một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên,  để đạt được một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an cũng đang là một khó khăn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho biết vụ thử này không có lợi cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hối thúc Triều Tiên không nên có những hành động làm gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên nước này chưa có bình luận về khả năng có một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Triều Tiên, trong khi Nga cũng thận trọng khi đánh giá về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt để giải quyết khủng hoảng./.