AFPngày 16/2 dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã sử dụng đạn uranium nghèo chống tăng hai lần vào năm 2015 trong khuôn khổ các đợt không kích nhằm vào những đoàn xe tải chở dầu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, thông tin này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ bởi nó gây “rủi ro đáng kể” đối với những người lính Mỹ trực tiếp dùng loại đạn này trong chiến đấu cũng như để lại nguy hại tiềm ẩn cho cư dân sống trong khu vực.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc mô tả đạn uranium nghèo chống tăng như “chất độc hóa học và độc X-quang kim loại nặng”.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, uran nghèo là một sản phẩm của quá trình làm giàu uranium, nó là “hơi phóng xạ với khoảng 60% hoạt động của uranium tự nhiên”.
Một người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết, chiếc máy bay A-10 Thunderbolt của Không quân đã thực hiện cuộc tấn công sử dụng đạn uranium nghèo nhằm vào các xe tải chở dầu của IS vào ngày 16 và ngày 22/11/2015. Hoạt động này đã phá hủy hàng trăm xe tải của IS.
Người phát ngôn của Trung tâm Chỉ huy Mỹ tại Syria Josh Jacques cho biết, có tổng cộng 5.265 viên đạn uranium nghèo được sử dụng kết hợp với các loại đạn gây cháy khác.
Lý giải về việc sử dụng các loại đạn này trong cuộc chiến chống IS, ông Jacques cho biết, sự kết hợp của đạn chống tăng có khả năng xuyên phá với đạn có khả năng gây cháy nổ cao giúp “đảm bảo xác suất hủy diệt cao hơn nhằm vào những đội xe vận chuyển dầu bất hợp pháp của IS”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét tất cả các lựa chọn trong kế hoạch hoạt động để đánh bại IS, điều này bao gồm cả đạn uranium nghèo chống tăng”, ông Jacques nói thêm.
Việc dùng đạn uranium nghèo trong chiến sự luôn làm dấy lên mối lo ngại lây lan các phân tử phóng xạ độc hại ra không khí và gây ra thương tổn sức khỏe nghiêm trọng như ngộ độc kim loại hay nhiễm phóng xạ đối với những người hít hoặc nuốt phải. Chất độc mà đạn uranium để lại trong môi trường sẽ tồn tại gần như mãi mãi.
Theo tờ Chicago Tribune, người dân Iraq đã vô cùng bất bình sau khi quân đội Mỹ sử dụng hàng trăm ngàn viên đạn uranium nghèo khi tham chiến tại đây năm 2003. Độc tố của loại đạn này đã gây bệnh ung thư và dị tật thai nhi cho người dân Iraq.
Mức độ độc hại của loại đạn nói trên chưa bao giờ được chứng minh nhưng vẫn bị nghi ngờ có thể là nguyên nhân của một loại bệnh lý được biết đến với cái tên “hội chứng chiến tranh vùng Vịnh” – chứng bệnh suy nhược xuất hiện ở các cựu binh từng tham gia Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã đi đầu trong việc tiến hành nghiên cứu và làm sạch môi trường sống của các khu vực bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng vũ khí trong cuộc xung đột ở Nam Tư cũ và Iraq./.
Mỹ sẽ đẩy lùi IS khỏi những thành trì ở Iraq và Syria trong 6 tháng