TheoReuters, vụ việc nói trên diễn ra vào ngày 17/6 và cả Nga và Mỹ đều cho rằng, đối phương đã có những hành động “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”.

khinh_ham_my_coef.jpg
Tàu khu trục Mỹ USS Gravely của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, tàu khu trục Mỹ USS Gravely đã “tiếp cận một cách nguy hiểm” với khinh hạm Yaroslav Mudry của Nga và đã vi phạm quy định tránh va chạm với nhau trên biển.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, vụ áp sát này của tàu chiến Mỹ cho thấy “thủy thủ trên tàu Mỹ đã cho phép mình quên đi những quy tắc cơ bản nhất về việc đảm bảo an toàn hàng hải và không nghĩ đến hệ lụy của hành vi tiếp cận nguy hiểm tại những khu vực có mật độ giao thông đường biển cao”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tàu khu trục USS Gravely đã đi sát qua mũi khinh hạm Yaroslav Mudry và chỉ còn cách tàu Nga khoảng 60-70m.

Khi vụ việc xảy ra, khinh hạm Yaroslav Mudry đang đi ở hải phận quốc tế ở phía Đông Địa Trung Hải. Tàu đang duy trì tốc độ cao và không hề có hành vi gây nguy hiểm nào với tàu Mỹ.

Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, chính phía Nga mới có những hành vi “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” nhằm vào tàu khu trục USS Gravely.

Theo đó, khinh hạm Yaroslav Mudry “nhiều lần áp sát phía đuôi tàu USS Gravely nhưng lại lên tiếng đòi tàu USS Gravely phải giữ khoảng cách an toàn”.

Các sĩ quan Mỹ cho biết, khinh hạm Yaroslav Mudry chỉ cách tàu USS Gravely khoảng 290m và cách tàu sân bay USS Harry S. Truman khoảng 5 hải lý.

“Những hành động của Nga có thể dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng một cách không cần thiết giữa hai nước và có thể dẫn đến những tính toán sai lầm hoặc tai nạn không đáng có khiến các thủy thủ trên tàu bị thương hoặc thiệt mạng”, một sĩ quan Mỹ nói.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết thêm rằng, tại thời điểm xảy ra vụ đối đầu, tàu USS Truman và USS Gravely đang tiến hành các hoạt động nhằm hỗ trợ chiến dịch chống IS tại Syria và Iraq.

Nữ phát ngôn Lầu Năm Góc Michelle Baldanza tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ đang theo dõi chặt chẽ vụ việc nói trên và tiến hành trao đổi với phía Nga thông qua các kênh quân sự.

Trước đó, hồi tháng 4, quân đội Mỹ đã lên tiếng cáo buộc cường kích Su-24 của Nga tiến hành tấn công mô phỏng với mục tiêu là tàu khu trục USS Donald Cook trên biển Baltic. Một sĩ quan Mỹ mô tả đây là một trong những “hành động hiếu chiến nhất của Nga” nhằm vào Mỹ.

Tại thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh, hành vi của phi công Nga rõ ràng là có ý khiêu khích và cực kỳ nguy hiểm. Theo ông Kerry, nếu áp dụng quy tắc hành xử khi đối đầu thì tàu chiến Mỹ hoàn toàn có quyền bắn hạ cường kích của Nga./.