Trước đó, tờ Defense News dẫn báo cáo của Bộ Chỉ huy Không quân Ấn Độ cho rằng, máy bay được chế tạo dựa trên cơ sở tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga không đủ tính bảo mật.

sukhoi_pak_fa_su_57_7_zakl.jpg
Tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga. Ảnh: Không quân Nga

Ngoài ra, theo ý kiến của các nhà quân sự, máy bay này không có khái niệm chuẩn về động cơ, điều này dẫn đến tăng chi phí bảo dưỡng chiến đấu cho máy bay. Do đó, người ta đã đề nghị chính quyền Ấn Độ rút khỏi chương trình hợp tác Nga – Ấn trong phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

“Hiện thỏa thuận liên chính phủ Nga – Ấn vẫn đang có hiệu lực, với các cam kết mà theo đó dự án chung về chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 sẽ được hai bên thực hiện theo các giai đoạn và thời kỳ đã được thống nhất”, bộ phận truyền thông của Rosoboronexport cho biết.

Thỏa thuận về dự án FGFA được ký năm 2007. Đầu tháng 5 năm nay, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hãng tin PTI của Ấn Độ biết rằng, hợp đồng phát triển thiết kế chi tiết của một tiêm kích mới sẽ được ký kết vào nửa sau của năm 2017.

Vào mùa xuân năm nay, các đại diện chính thức phía Nga cho biết, Nga hoàn toàn thực hiện các cam kết của mình trong khuôn khổ dự án và chờ đợi quyết định từ phía Ấn Độ.

Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 được chế tạo trên cơ sở Su-57 của Nga phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của phía Ấn Độ.

Dự kiến, khách hàng đầu tiên của máy bay này là Không quân Ấn Độ, sau đó nó sẽ được cung cấp cho nước thứ 3./.