Công ty UEC, nằm trong công ty mẹ Rostec của nhà nước Nga, đã khởi động giai đoạn 2 của dự án động cơ máy bay PAK FA T-50.
Để tiến hành cuộc kiểm nghiệm này, người ta đã phải chuẩn bị các thiết bị tạo khí.
Hiện nay máy bay PAK FA sử dụng động cơ giai đoạn 1, đó là động cơ AI-41 phiên bản hiện đại hóa.
Theo Pavel Bulat, chuyên gia về thiết bị điện tử hàng không và là người đứng đầu Kupol Group of Companies, AI-41 là một phiên bản động cơ nâng cấp sử dụng cho các phi cơ Su-27, Su-30, và các loại máy bay trong dòng này.
Chuyên gia Bulat nói: “Động cơ cho máy bay T-50 đã được nâng cấp đáng kể so với các mẫu ban đầu, tích hợp hệ thống điều khiển mới nhất, hệ thống nén, v.v. Tuy nhiên, động cơ vẫn chưa ngang tầm máy bay thế hệ 5 và rất dễ nhận ra trên màn hình radar”.
Theo Bulat, động cơ giai đoạn 2 là một trong những động cơ tiên tiến nhất thế giới. Động cơ giúp T-50 tăng tốc đạt đến tốc độ siêu thanh và duy trì vận tốc đó trong suốt chuyến bay mà không cần sử dụng tính năng vượt ngưỡng động cơ.
Hai chiếc siêu tiêm kích PAK FA T-50 lướt trên vùng trời khu vực Astrakhan
Chuyên gia Bulat cho biết: “Tốc độ máy bay sẽ lên tới Mach 1.6 (khoảng 1.931km/h), tùy thuộc vào không gian mà ở đó máy bay đang bay. Động cơ mới cũng cải thiện đáng kể tính năng tàng hình của PAK FA nhờ vào việc sử dụng các vật liệu composite mới”.
Các nhà thiết kế dự kiến sẽ khởi động thử nghiệm động cơ mới trên máy bay tiêm kích vào năm 2018, để có thể tích hợp hoàn toàn động cơ vào máy bay vào năm 2020.
Nhà phân tích Bulat chia sẻ thêm: “Ngoài động cơ, cũng cần chỉnh sửa bộ phận radar. Các kỹ sư cần loại bỏ các khiếm khuyết cuối cùng trong kết cấu máy bay – loại máy bay hiện đại nhất thế giới hiện nay”.
Vũ khí của tiêm kích đa nhiệm mới
A- Pháo 30-mm
Bộ phận hỏa lực bao gồm một trong những loại pháo nhẹ nhất loại này – khẩu 9-A1-4071K, được thiết kế để tiêu diệt xe thiết giáp hoặc các mục tiêu bọc thép khác. Trong một phi vụ, viên phi công có thể bắn 150 phát đạn bằng khẩu pháo 30mm này.
Vũ khí mới nói trên là một khẩu pháo bắn máy bay GSh-301 nòng đơn đã được chỉnh sửa. Loại này hay được dùng trong các phi cơ tiêm kích và ném bom của Nga.
Thử nghiệm pháo 30-mm được trang bị cho PAK FA T-50. Nguồn: UACRussia
B- Bom của máy bay
Sergey Rusakov, Tổng Giám đốc của Techmash Group cho biết, máy bay tiêm kích thế hệ 5 T-50 trong tương lai cũng sẽ mang theo các trái nổ cực mạnh và bom nhiệt áp.
Rusakov cho biết họ đang xem xét đưa lên máy bay PAL FA loại bom bay OFZAB-500 gây cháy nổ và bom nhiệt áp ODAB-500PMV – các loại bom hiện được triển khai sử dụng trên chiến trường Syria.
Theo chương trình tái vũ trang, quân đội Nga sẽ nhận một lô 12 chiến đấu cơ T-50 trước cuối năm 2016.
Người ta sẽ đưa ra thảo luận một hợp đồng mới về cung cấp máy bay thế hệ 5 vào cuối năm 2016, sau đó Bộ Quốc phòng sẽ quyết định cần bao nhiêu máy bay mới.
Các loại bom có thể được trang bị cho siêu tiêm kích PAK FA T-50
T-50 - chiếc tiêm cường kích mới nhất của Nga được sản xuất để làm đối thủ cạnh tranh với tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ. Chiếc phi cơ tàng hình F-22 là vũ khí nổi bật trong Chiến tranh Iraq.
Vadim Kozyulin, Giáo sư tại Học viện Khoa học Quân sự (Nga) nói với trang RBTH: “T-50 sẽ được sản xuất hàng loạt chậm hơn nhiều so với Raptor. Điều này cho phép chúng tôi xem xét các ưu nhược của máy bay hiện tại khi chế tạo máy bay mới. Tình hình tương tự đã diễn ra khi chúng tôi thực hiện dự án tiêm kích đa nhiệm Su-27 thế hệ 4. Nguyên mẫu chiếc này ra đời muộn hơn rất nhiều so với chiếc F-16 của Mỹ và đã tính đến các nhược điểm của phiên bản trước đó. Kết quả là chiếc Sukhoi (của Nga) có khả năng đánh bại máy bay Mỹ về tính năng chiến đấu”.
Chuyên gia này cũng cho biết, chiếc T-50 có khả năng sử dụng một cách đầy đủ các tên lửa không đối không có độ chính xác cao cũng như các loại bom đạn thông minh”.
Kozyulin bổ sung thêm: “Các tên lửa đặc biệt của PAK FA đang được phát triển, với một bộ phận nằm ngang hình vuông cho phép chở thêm đầu đạn ở các khoang trong quá trình tác chiến”./.