Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ chỉ trích các nước thành viên NATO không đóng góp đủ vào ngân quỹ phòng thủ chung.
Những người nộp thuế Đức sẽ phải đóng góp thêm nhiều hơn cho chi phí dành cho Bundeswehr, quân đội của đất nước. Đó là thông điệp mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra tại hội nghị các tổ chức thanh niên thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc Giáo vào cuối tuần qua tại thành phố Paderborn.
Bà Merkel cho biết nước Đức dự kiến tăng chi phí quân sự lên 2% GDP như theo thoả thuận mà các nước thành viên NATO đạt được vào năm 2014, so với tỉ lệ 1,2% GDP hiện nay.
Bà Merkel cho hay: "Trong thế kỷ 21, chúng ta sẽ không nhận được nhiều sự hỗ trợ như thế kỷ 20. Chúng ta cần tăng ngân sách Bundeswehr mạnh từ 1,2% lên 2%".
Để đạt được mục tiêu này, ngân sách quốc phòng của Đức sẽ cần phải tăng lên khoảng 60 tỉ euro (tương đương 65,8 tỉ USD). Chỉ tiêu ngân sách quân sự dự kiến hiện nay của Đức cho năm 2020 chỉ là 39,2 tỉ euro.
Bà Merkel viện dẫn sức ép từ Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định này. Theo Trung tâm Tiến bộ Mỹ, Mỹ đã chi trên 600 tỉ USD hay 3,4% trong 17,947 ngàn tỉ GDP theo ước tính của chính phủ Mỹ vào hoạt động quốc phòng trong năm 2015. Nhiều chính trị gia Mỹ, trong đó có ứng viên tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump và ứng cử viên sáng giá trước đây của Đảng Dân chủ Bernie Sander đã lên tiếng chỉ trích các nước đồng minh NATO đã để Mỹ gánh vác một phần lớn bất hợp lý gánh nặng chi phí phòng thủ chung.
Những đóng góp của các nước thành viên NATO để trang trải các chi phí của liên minh này được tính theo tổng thu nhập quốc gia. Hiện nay, Mỹ gánh vác khoảng 22% chi phí của NATO, so với tỉ lệ đóng góp 15% của Đức, 11% của Pháp và 10% của Anh.
Theo các số liệu chính thức của Nhà Trắng, Mỹ đã đóng góp 685 triệu USD trong 2,8 tỉ USD ngân sách đóng góp chung của NATO. Các số liệu được công bố gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy hàng năm Mỹ thường chi chưa đầy 500 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động của NATO.
Trong khi đó, các đồng minh NATO chi trả hoạt động duy trì các cơ sở quân sự của Mỹ ở nước mình. Và các nhà thầu cho quân đội Mỹ là những đơn vị chính nhận được chi phí quân sự của Mỹ và lực lượng chính vận động Washington đề nghị các nước thành viên NATO khác tăng chi phí quốc phòng. Qua đó, một phần tiền được đưa trở lại nền kinh tế Mỹ.
Mặt khác, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 7, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hoạt động của NATO tại Afghanistan tiêu tốn khoảng 5 tỉ USD mỗi năm, trong đó 3,5 tỉ USD do Mỹ đóng góp. Ngoài ra, khoảng 3/4 đội quân NATO là lính Mỹ. Nhà Trắng cho biết, Mỹ chi trả khoảng 40% chi phí để duy trì chương trình Kiểm soát Cảnh báo Sớm Trên không NATO (AWACS) và mua hệ thống Giám sát Mặt đất của liên minh này.
Cộng với với tỉ lệ phần trăm GDP chi cho quốc phòng của từng nước, các con số này cho thấy có sự mất cân đội giữa phần đóng góp của Mỹ vào quỹ an ninh chung và phần đóng góp của các nước liên minh khác. Do đó, các nước thành viên NATO đã nhất trí rằng tình hình này sẽ phải thay đổi và đây là một tin vui cho các nhà thầu cho quân đội.
Sự phản đối chính trong liên minh cầm quyền
Trong số các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO, bà Merkel tích cực vận động để thúc đẩy việc tăng chi phí quân sự như thỏa thuận đã đề ra. Những phát biểu Thủ tướng Đức tại Paderborn càng củng cố thêm những tuyên bố bà đưa ra vào mùa hè vừa qua.
Song phe đối lập chính trị tại Đức không vui về triển vọng tăng mạnh chi phí quốc phòng. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác của bà Merkel trong liên mình lớn đang cầm quyền, cũng không mấy mặn mà với đề xướng này bởi nó làm họ gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Chủ tịch SPD, Sigmar Gabriel, hồi tháng 6 đã phát biểu: "Chúng ta đã quay trở lại thứ logic mà tôi biết từ hồi trẻ, đó là câu hỏi duy nhất được đưa ra thảo luận là ai sẽ cần chi nhiều tiền hơn để mua vũ khí”.
Các nhà lãnh đạo SPD khác chỉ trích cái mà theo họ là "sự đe doạ quân sự của NATO".
Song với mối quan ngại gia tăng về những ý đồ của Kremlin sau khi Nga sáp nhập Crimea, công chúng Đức ủng hộ việc tăng chi phí quốc phòng. Trong một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện vào cuối tháng 12/2015, 56% người được thăm dò ý kiến ủng hộ việc mở rộng quy mô quân sự của Đức, cao hơn so với con số 30% người phản đối ý tưởng này.
Bà Merkel đã có thể đẩy mạnh tăng ngân sách quốc phòng 1,2 tỉ euro trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2016. Vì thế, Đức đặt chỉ tiêu chi 35 tỉ euro vào quốc phòng trong năm nay. Song con số này có thể lớn hơn nhiều trong tương lai nếu Berlin sẽ phải đạt chỉ tiêu mà NATO đã đề ra./.