TheoReuters, mức tăng 2,3% so với năm tài khóa 2016 đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tìm cách tăng ngân sách nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của mình trong bối cảnh môi trường an ninh trong khu vực đang có những diễn biến hết sức phức tạp.

patriot_pac_3_001_qlnf.jpg
Hệ thống tên lửa PAC-3 mà Nhật Bản muốn phát triển. Ảnh: AP

Tuy nhiên, ông Takashi Kawakami, chuyên gia về an ninh tại Đại học Takushoku cho rằng, mức tăng như vậy vẫn còn thấp: “Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang bị tổn hại nghiêm trọng trước những hành động của các nước láng giềng như Triều Tiên và Trung Quốc. Cá nhân tôi cho rằng, ngân sách quốc phòng tăng như vậy vẫn chưa đủ”.

Dự kiến, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chi khoảng 1 tỷ USD để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 nhằm đối phó với việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa gần đây. Theo đó, sau khi được nâng cấp, tầm hoạt động của hệ thống này sẽ tăng gấp đôi lên hơn 30km.

Ngoài ra, khoản ngân sách này cũng bao gồm chi phí sản xuất phiên bản Block IIA của hệ thống tên lửa Standard Missile-3 do Mỹ và Nhật Bản cùng phát triển để có thể bắn hạ tên lửa của đối phương ở tầm cao hơn.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ mua phiên bản nâng cấp của siêu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo.

Nhật Bản cũng sẽ dành một khoản ngân sách cho việc tăng cường năng lực của lực lượng phòng vệ bờ biển nước này tại khu vực phía Nam quần đảo Miyakojima và Amami Oshima để đối phó với những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng mong muốn phát triển một chiếc chiến đấu cơ không người lái trong vòng 20 năm tới với sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân trong việc chế tạo hệ thống liên lạc, vũ khí và hệ thống laser.

Theo đó, trước hết, giới quân sự Nhật Bản sẽ phát triển một máy bay trinh sát không người lái trong giai đoạn 10 năm tới và trong giai đoạn 10 năm sau sẽ phát triển một chiến đấu cơ không người lái./.