Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2022, chiều 11/6, tại phiên thảo luận “Hiện đại hóa quân sự và năng lực quốc phòng”, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Tăng cường khả năng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc”.

Bài phát biểu nêu bật quan điểm của Việt Nam, đó là Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc; nỗ lực cùng các nước khác bảo vệ hòa bình, ổn định và an ninh khu vực và thế giới. 

Mở đầu bài phát biểu Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong khi xu thế hòa bình phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại thì cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Vì vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng thực sự là yêu cầu tất yếu, khách quan của mỗi quốc gia dân tộc.

Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tự vệ, nên thấu hiểu hậu quả của bạo lực, của xung đột. Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm gìn giữ hòa bình của đất nước; quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc; đồng thời thực hiện trách nhiệm quốc tế cao cả.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng hòa bình và tự vệ; việc tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ Tổ quốc.

“Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ, tích cực chủ động, kiên quyết kiên trì, ngăn ngừa đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Mục tiêu xuyên suốt của quốc phòng Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ vững ổn định chính trị; xây dựng môi trường hòa bình để phát triển và xây dựng đất nước; thể hiện trách nhiệm quốc tế cao cả muốn đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, phát triển chung của khu vực và thế giới” - Đại tướng Phan Văn Giang cho biết.

Tại phiên thảo luận, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam. Đó là “Việt Nam khao khát mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều được hưởng hòa bình, hợp tác và phát triển bình đẳng. Việt Nam mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước”.

Việt Nam không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, tăng cường năng lực quốc phòng, nếu không minh bạch, sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang. Hệ lụy là, lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm, cạnh tranh chiến lược gia tăng, nguy cơ đối đầu hiện hữu, an ninh truyền thống phức tạp, chiến tranh, xung đột tiềm ẩn, khó lường.

Mặt khác, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia, mà lẽ ra nguồn lực quốc gia ấy cần được dành cho phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống để chăm lo đời sống và hạnh phúc của người dân.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh Việt Nam kiên trì, kiên quyết giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế.

“Đối với tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam kiên trì, kiên quyết giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982. Việt Nam cam kết thực thi nghiêm túc DOC, mong muốn hướng tới xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn” - Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh./.