Tháng 7/1945, Mỹ đã thử nghiệm quả bom hạt nhân với sức công phá mạnh chưa từng có trong lịch sử tại bãi thử ở New Mexico. Một tháng sau, Washington đã thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản khiến hơn 200.000 người thiệt mạng, theo History.
Kể từ đó, khả năng hủy diệt của vũ khí hạt nhân ngày một phát triển. Nhiều loại vũ khí, chẳng hạn như bom khinh khí đã được bổ sung vào kho vũ khí hạt nhân. Hiện nay vũ khí hạt nhân mạnh nhất thế giới có đương lượng nổ gần gấp 40 lần so với những quả bom nguyên tử đầu tiên.
Sau khi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) có hiệu lực, nhiều quốc gia đã theo đuổi mục tiêu cắt giảm hoặc loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, các vũ khí hạt nhân cũ sẽ được tháo dỡ và cho nghỉ hưu. Vậy quá trình đó diễn ra như thế nào?
Bắt đầu từ việc tháo rời vũ khí
Mặc dù cơ chế và quy trình hủy bỏ vũ khí hạt nhân có thể khác nhau giữa các quốc gia, nhưng tại Mỹ những vũ khí hạt nhân không còn đóng vai trò thiết yếu sẽ bị loại bỏ. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, đây là một phần tự nhiên trong vòng đời của vũ khí hạt nhân. Robert Kelley, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, về cơ bản nếu một loại vũ khí không còn cần thiết cho chiến tranh, đặc biệt khi những vũ khí tinh vi hơn được tạo ra để thế chỗ của nó, nó sẽ được cho “nghỉ hưu”.
Việc giải trừ vũ khí hạt nhân là một quá trình phối hợp, có sự tham gia của các nhà khoa học và các kỹ sư. Tất cả sẽ bắt đầu từ bản thiết kế mà các chuyên gia đã sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông Robert Rosner, chủ tịch Hội đồng khoa học và an ninh của The Bulletin cho biết: “Giống như bất cứ loại máy móc nào. Vũ khí hạt nhân sẽ được tháo rời từng mảnh”. Để tháo dỡ một thiết bị hạt nhân, các kỹ sư cần biết trình tự lắp ghép các bộ phận ban đầu.
“Thiết kế của bom nguyên tử là thứ mà tôi gọi là bí mật mở. Không có nhiều cách để thiết kế chúng và vì vậy nếu người Mỹ phải đối phó với bom hạt nhân của Triều Tiên, thì điều đó sẽ không còn là điều bí ẩn đối với họ”, ông Robert Rosner nói.
Nhưng những quả bom khinh khí phức tạp và có sức công phá lớn hơn mà Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga đang sở hữu lại là một câu chuyện khác.
“Có nhiều thiết kế khác nhau và vì vậy việc tháo lắp rất khó khăn. Bạn phải hết sức cẩn thận. Từ quan điểm của một kỹ sư cơ khí, tôi thấy chúng giống như một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ được tinh chỉnh cao. Chúng là tác phẩm nghệ thuật máy móc với những thiết kế thông minh đáng kinh ngạc”.
Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, việc giải mã thiết kế là công việc khó khăn nhất của quá trình phá dỡ vũ khí hạt nhân. Tom Plant, chuyên gia hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Royal United Services ở London, một tổ chức tư vấn độc lập của Anh nhận xét: “Xử lý về kỹ thuật phức tạp hơn nhiều so với xử lý vật liệu hạt nhân.
Việc tháo rời một quả bom khinh khí mà không biết trình tự thiết kế chính xác sẽ rất khó khăn đối với các kỹ sư. Tất nhiên đây vẫn không hoàn toàn là nhiệm vụ bất khả thi. “Rất ít khả năng nó sẽ nổ tung nếu xảy ra sai sót trong quá trình tháo rời, trừ khi nó được thiết kế để phát nổ trong trường hợp đó”, ông Robert Rosner lưu ý.
Chuyên gia Tom Plant cũng cho rằng trường hợp xấu nhất là quả bom vô tình phát nổ, nhưng cũng có rất nhiều nguy cơ khác nếu quá trình tháo dỡ bị sai. Những người thực hiện công việc này có thể bị điện giật, bị phơi nhiễm vật liệu hạt nhân hay các hóa chất độc hại khác. Tuy nhiên, một quốc gia, biết rõ thiết kế vũ khí hạt nhân của riêng họ có thể tháo rời vũ khí một cách dễ dàng. Tính đến năm 2014, Mỹ đã tháo dỡ 85% số vũ khí trong kho vũ khí hạt nhân mà họ công bố kể từ năm 1967, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Uranium và plutonium còn lại sẽ được xử lý ra sao?
Một khi vũ khí đã được tháo rời, dù đó là những loại bom hạt nhân cũ hay bom hạt nhân tinh vi hơn, thì quá trình xử lý sẽ giống hệt nhau. Ông Robert Rosner nói: “Khi các cường quốc quyết định giảm kho vũ khí hạt nhân, chúng ta sẽ có một lượng khá lớn plutonium. Vậy chúng sẽ được xử lý như thế nào?”.
Câu trả lời hiển nhiên là tái sử dụng chất phóng xạ, plutonium hoặc uranium - để sản xuất điện. Nhưng để phù hợp với một nhà máy điện, chúng cần phải được pha loãng để trở thành các vật liệu được làm giàu ở cấp độ thấp.
“Không có lò phản ứng năng lượng nào trên thế giới được thiết kế để xử lý vật liệu cấp vũ khí. Bạn phải pha trộn trước khi biến nó thành nhiên liệu”, ông Plant lưu ý.
Nhưng đó không phải là những gì sẽ xảy ra với hầu hết các chất phóng xạ. “Biện pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả về mặt kinh tế. Trên thực tế, làm giàu vật liệu mới thường rẻ hơn so với việc hạ cấp và tái sử dụng. Chưa kể, quá trình vận chuyển plutonium hoặc uranium từ kho chứa đến lò phản ứng cũng rất phức tạp”.
“Hầu hết vật liệu hạt nhân thường bị mắc kẹt trong các cơ sở lưu trữ”, chuyên gia Robert Rosner nhấn mạnh.
Ngoài việc phá dỡ hoàn toàn một vũ khí hạt nhân, còn có một lựa chọn khác là tháo rời một phần.
Nếu vũ khí không được kích nổ thì vật liệu hat nhân bên trong vẫn trong trạng thái ổn định và có thể kiểm soát được. Việc tháo rời một phần sẽ giữ vật liệu hạt nhân bên trong quả bom trong khi loại bỏ cơ hội sử dụng nó. Và người ta vẫn có thể kích hoạt trở lại và tái sử dụng đầu đạn hạt nhân trong trường hợp cần thiết.
Trên thực tế, không phải tất cả những vũ khí hạt nhân bị loại bỏ đều được phá dỡ ngay lập tức vì quá trình này rất nhạy cảm và tốn nhiều thời gian./.