Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon cho biết, Anh sẽ tăng cường hiện diện ở vùng biển này. Trước đó, Anh đã cử 4 máy bay chiến đấu tham gia tập trận chung với Nhật Bản ở Biển Đông năm ngoái.

“Chúng tôi đã cử máy bay RAF Typhoons bay trên vùng Biển Đông tháng 10/2016 và chúng tôi sẽ thực hiện quyền đó bất cứ khi nào chúng tôi có cơ hội, bất cứ khi nào tàu chiến hay máy bay của chúng tôi ở khu vực này”, ông Fallon nêu rõ.

raf_typhoons_photo_stock_qbrq.jpg
Máy bay chiến đấu RAF Typhoons. (Ảnh: Photo Stock)

Kế hoạch này được cho là động thái nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông.

“Chúng tôi hy vọng sẽ cử tàu chiến đến khu vực này năm sau”, ông Fallon chia sẻ với Reuters ngày 27/7.

“Chúng tôi vẫn chưa ấn định địa điểm chính xác cho việc triển khai này nhưng chúng tôi sẽ quyền tự do đi lại ở Biển Đông bị cản trở” – Bộ trưởng Quốc phòng Anh nhấn mạnh. “Chúng tôi có quyền tự do hàng hải và chúng tôi sẽ thực hiện quyền đó”.

Tuyên bố của ông Fallon đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng cho biết 2 tàu sân bay mới của nước này sẽ tới khu vực Biển Đông song chưa tiết lộ cụ thể những tàu này sẽ được cử đến đâu khi đi vào hoạt động năm 2020.

Việc Trung Quốc xây dựng các đảo và căn cứ quân sự ở Biển Đông đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh có những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tìm cách hạn chế tự do đi lại trong khu vực.

Anh công bố kế hoạch cử tàu chiến tới Biển Đông bất chấp điều này có thể khiến quan hệ với Trung Quốc căng thẳng, cản trở những nỗ lực của chính phủ 2 nước nhằm thúc đẩy “kỷ nguyên vàng” cho quan hệ song phương sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Mỹ ước tính Trung Quốc đã bồi đắp tới 1.300 ha trên 7 đảo ở Biển Đông trong vòng 3 năm qua để xây dựng đường băng, tiền đồn, bãi đỗ máy bay và các trang thiết bị truyền thông.

Trước Anh, Mỹ cũng đã thực hành quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Hồi đầu tháng nay, Mỹ đã cử 2 máy bay ném bom đến khu vực, chỉ vài tháng sau khi cử 1 tàu chiến tập trận cách một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong vòng 12 hải lý./.