Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàntrên cầu vượt Thái Hà, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ trách nhiệm những người liên quan trong vụ tai nạn này. Cơ quan công an cũng đang tích cực điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Trong khi đó, trên mạng xã hội đang đăng tải đoạn video ghi lại cuộc rượt đuổi từ camera hành trình của một chiếc xe hiệu Ford Ranger. Chiếc taxi bị chiếc Ranger ép dừng 2 thanh niên từ trên xe lao xuống mở cửa dọa đánh. Hoảng loạn, tài xế taxi nhấn ga bỏ chạy. Xe ôtô chở 2 thanh niên đó tiếp tục truy đuổi đến cầu vượt Chùa Bộc - Thái Hà, khi lên cầu lái xe taxi gây tai nạn liên hoàn. Lái xe Đặng Văn Cường đã nhảy từ cầu xuống đường và được người dân đưa đi cấp cứu. Sức khỏe của lái xe đang nguy kịch.

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng: Đối với sự việc tài xế VinaTaxi gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác trên cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc, có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật hình sự.
vd_2__czvu_vwzb.jpg

Luật sư Giang Hồng Thanh nêu rõ: Đối với tài xế xe Ford Ranger (là chiếc xe có liên quan đến nguyên nhân bỏ chạy của taxi gây tai nạn), căn cứ vào những hình ảnh mà camera hành trình của xe này cung cấp, có thể thấy người lái xe Ford đã có một số lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ sau:

- Lạng lách.

- Giành đường, vượt ẩu.

- Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22h đến 5h.

- Vượt xe trên cầu hẹp có một làn xe.

Luật sư Giang Hồng Thanh khẳng định: Đây là những hành vi quy định tại Điều 8 và Điều 14 Luật Giao thông đường bộ.

Theo quan điểm của luật sư Giang, ngoài dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, còn có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 Bộ luật hình sự, bởi lẽ “Gây rối trật tự công cộng” được hiểu là hành vi gây náo động, hò hét đuổi đánh nhau làm hỗn loạn ở những nơi công cộng như ngoài đường phố, khu dân cư, công viên, nơi đông người… Hành vi này gây nên sự xáo trộn, hoảng sợ cho những người xung quanh.

Luật sư Giang phân tích: theo Nghị quyết số 02/2002/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

- Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;

- Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;

- Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;

- Chết người;

- Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;

- Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;

- Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;

- Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...

Trong trường hợp gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu), người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự.

“Chắc chắn cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc va chạm giữa hai xe, lý do dẫn đến việc tài xế của hai xe có những hành động nêu trên, những hành vi cụ thể mà mỗi người đã thực hiện để từ đó có biện pháp xử lý phù hợp và áp dụng các chế tài xử phạt chính xác theo quy định của pháp luật”, luật sư Giang nói.

Luật sư Giang cũng cho biết: Mức hình phạt cao nhất đối với tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là đến 15 năm tù, còn mức hình phạt cao nhất đối với tội “Gây rối trật tự công cộng” là đến 7 năm tù./.