Chiều nay (27/3), phiên toà xét xử vụ án tại Vinashin tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo Phạm Thanh Bình và các bị cáo có hành vi làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án đầu tư mua tàu cao tốc chở khách và chở ô tô (tàu Hoa Sen) của Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin.

Khi tiến hành thẩm vấn các bị cáo và các giám định viên tổ giám định thì hầu hết là những câu trả lời “Đúng như cáo trạng của Viện kiểm sát đã đưa ra tại phiên toà hôm nay”. Tuy nhiên, khi một loạt câu hỏi thẩm vấn với bị cáo Phạm Thanh Bình được đưa ra thì bị cáo đã trả lời rằng: Việc bị cáo cho phép mua tàu Hoa Sen với giá 1.296 tỷ đồng mà không được phê duyệt và không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh theo qui định là do tính cấp bách của dự án.

vinashin-1.jpg
Bị cáo Phạm Thanh Bình (thứ 2, từ phải sang): Mua tàu Hoa Sen vì thế giới chỉ có 2 chiếc

Theo như bị cáo Phạm Thanh Bình khai trước toà, trên thế giới hiện chỉ có 2 tàu giống như tàu Hoa Sen nên cần phải mua ngay. “Bị cáo ra quyết định mua tàu trước khi dự án được phê duyệt là do tính cấp bách của dự án” - bị cáo Phạm Thanh Bình nói.

Trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Phạm Thanh Bình cũng cho rằng, việc mua tàu Hoa Sen để tiến hành 3 thử nghiệm: thử nghiệm một qui trình vận tải ở Việt Nam với một con tàu mới hoàn toàn (khác với các con tàu truyền thống); thử nghiệm thứ hai là một phương thức vận tải mới trên biển (trên bộ, dưới nước lại lên bộ) tránh vận tải bằng đường bộ do vận tải khó khăn do lũ lụt, tai nạn và ùn tắc giao thông; thử nghiệm thứ ba là để tiến hành thực hiện mục tiêu mà Chính phủ giao cho Bộ Giao thông - Vận tải và Vinashin là tạo con đường Hồ Chí Minh trên biển trong thời kỳ đổi mới. Muốn tạo con đường này thì phải đóng tàu mới nhưng thời gian đóng tàu phải mất 5 năm và xây dựng một đường cao tốc trên bộ thì phải mất vài chục tỷ USD, nhưng trên biển thì không quá 2 tỷ USD và không phụ thuộc vào thời tiết, không bị tai nạn giao thông đường bộ nhiều như hiện nay.

Đối với vết nứt trên tàu Hoa Sen mà theo giám định phải sửa hết gần 340.000 USD, theo bị cáo Phạm Thanh Bình, vết nứt này bảo hiểm phải đền bù. Vết nứt này sau 3 tháng vận hành tàu Hoa Sen mới phát hiện, do đó không phải lỗi của bị cáo và không phải thiệt hại nghiêm trọng.

Còn trong cáo buộc của đại diện Viện kiểm sát đối với bị cáo Phạm Thanh Bình và các bị cáo khác trong việc mua tàu Hoa Sen là đã có hành vi cố ý làm trái các qui định của Nhà nước. Cụ thể, không làm đúng chỉ đạo, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đóng mới tàu biển chở khách cao tốc Bắc – Nam (không phải mua tàu); thứ hai là phê duyệt dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen trước khi lập và thẩm định dự án là không đúng với qui định về trình tự, thủ tục đầu tư; thứ ba là không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh trong việc mua tàu Hoa Sen là vi phạm Luật Đấu thầu và các qui định của Chính phủ về đăng ký và mua tàu biển. Sai phạm nữa là việc ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Viễn Dương vay 1.390,9 tỷ đồng để thực hiện dự án mua tàu Hoa Sen khi dự án chưa lập xong, chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt. Sai phạm nữa là không thực hiện thủ tục quyết toán vốn đầu tư của dự án, vi phạm các qui định hiện hành về qui chế quản lý đầu tư, xây dựng và qui chế đầu tư xây dựng.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát thì hành vi cố ý làm trái nêu trên của các bị cáo, đứng đầu là bị cáo Phạm Thanh Bình, đã gây thiệt hại theo kết quả giám định là 469 tỷ, 564 triệu đồng.

Ngày mai (28/3), toà tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về những thiệt hại đối với các dự án tại Vinashin./.

THÔNG TIN LIÊ QUAN: