Theo thống kê của cơ quan chức năng, những năm gần đây, tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố; nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê. Nhân Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7, phóng viên VOV ghi nhận những thủ đoạn mới của loại tội phạm này cũng như nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc đầy lùi vấn nạn buôn bán người.
Sử dụng công nghệ để dụ dỗ các thiếu nữ
Trao đổi với PV VOV.VN, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia.
Các đối tượng mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau, như: Bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật...
“Trước đây khi công nghệ chưa phổ biến, các đối tượng phải gặp và làm quen trực tiếp với nạn nhân, nhưng hiện tại các đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn…”, ông Trình nói.
Một số thủ đoạn trong thời gian gần đây của các đối tượng là thường xuyên lên mạng xã hội đăng tải thông tin tuyển dụng người lao động sang nước ngoài làm việc, với lời hứa việc nhẹ lương cao. Nhưng thực chất là đưa sang để làm việc “không công” tại các sòng bạc ở các nước Campuchia, Lào, Trung Quốc…
Đối tượng phạm tội từng là nạn nhân của mua bán người
Thượng tá Trình cho biết, các đối tượng phạm tội mua bán người rất đa dạng, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp. Nhưng đa số các đối tượng này đều đã có tiền án, tiền sự về tội mua bán người.
Chúng lợi dụng chính sách mở cửa ở Việt Nam để vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn, nhưng thực chất là để lừa nạn nhân đưa ra nước ngoài. Nhiều phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, đã bị chúng dụ dỗ đưa sang nước ngoài để “mang thai hộ”.
“Sau khi có thai với người nước ngoài, chúng lại đưa các nạn nhân về Việt Nam để dưỡng thai, đến khi gần đẻ, chúng lại đưa sang nước ngoài để sinh con. Sau đó bàn giao con cho các đối tượng để nhận tiền. Khi đường dây bị triệt phá, chúng tôi phát hiện nhiều đối tượng từng là nạn nhân của mua bán người lại trở thành tội phạm”, ông Trình nói.
Nạn nhân của mua bán người có thể là bất kỳ ai, nhưng theo thượng tá Trình thì chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, trẻ sơ sinh, lao động trẻ từ 14-30 tuổi. Nhóm nạn nhân cũng có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội và trình độ học vấn khác nhau. Có thanh niên bỏ trốn khỏi gia đình đi lang thang; phụ nữ có quá khứ bị bạo hành về thể xác, tình dục; phụ nữ trẻ kết hôn nhưng gia đình không hạnh phúc, tan vỡ; những trẻ em sinh ra ngoài ý muốn của bố mẹ và người thân.
“Khi bị bán sang nước ngoài, các nạn nhân đa số phải sống trong điều kiện rất tồi tệ. Không biết địa chỉ nơi làm và nơi ở, bị ép làm việc nhiều giờ trong ngày, không có ngày nghỉ, không biết kêu cứu với ai vì lạ lẫm với ngôn ngữ. Nhiều phụ nữ bị bán sang Trung Quốc đã phải phục vụ tình dục cho cả 2 bố con trong một gia đình”, ông Trình nói.
Thực tiễn cho thấy, điều tra tội phạm mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang thì chỉ khi người bị hại trốn được về và có đơn trình báo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện, điều tra.
Việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận của đối tượng, chính vì vậy rất khó chứng minh hành vi phạm tội nếu đối tượng không thừa nhận. Mặt khác, thời gian bị hại về Việt Nam thường vài tháng đến vài năm do vậy chứng cứ, nhân chứng không xác định được, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Thượng tá Trình cho biết, do pháp luật chưa đồng bộ thống nhất, một số hành vi phạm tội chưa được quy định để xử lý triệt để như: mua bán bào thai; lấy chồng nước ngoài trường hợp nào được coi là bóc lột tình dục hay là vô nhân đạo…
“Nhiều nạn nhân bị bán ra nước ngoài chưa được giải cứu bị sang chấn tâm lý, khai báo không chính xác hoặc không hợp tác với cơ quan công an. Có những nạn nhân khi được giải cứu còn mắng cơ quan công an vì tưởng là bị bắt về…”, ông Trình nói.
Bà Đặng Hương Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Hội LHPN Việt Nam cho biết, trước thực trạng mua bán người ở nước ta hiện nay, Hội LHPN Việt Nam đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người, với nhiều hình thức phong phú. Trong đó, đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông cả trực tiếp và trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, nhất là là về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh.
Việt Nam kiên quyết đẩy lùi nạn buôn bán người
Trong thời gian vừa qua, nỗ lực nổi bật nhất trong công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam đó là việc ban hành các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người.
Bộ Công an ban hành Thông tư 43/2021/TT-BCA ngày 22/4/2021 quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
Về ngăn chặn mua bán người trong lĩnh vực việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong năm 2021 và đầu năm 2020, một loạt văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành. Nghị định số 112/NĐ-CP ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật số 69, quy định doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép nếu lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động. Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số ngành, nghề, công việc cụ thể nhằm nghiêm cấm việc doanh nghiệp thu phí của người lao động trái quy định, trong đó một số ngành nghề tại từng thị trường không được phép thu tiền dịch vụ.
Để ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động đưa người di cư trái phép, ngày 20/3/2020, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Việt Nam hiện đang xây dựng hồ sơ gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000./.