Chiều 23/3, báo chí dẫn lời cơ quan chức năng nói về nguyên nhân ban đầu dẫn đấy vụ cháy chung cư Carina Plaza (quận 8, TP.Hồ Chí Minh) khiến 13 người chết, 28 người bị thương có thể do lửa xuất phát từ một phương tiện dưới tầng hầm (có thể là một chiếc xe) tại tầng hầm rộng hàng nghìn m2 (có nhiều ôtô, xe máy) rồi lan ra các xe xung quanh.
Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong. (ảnh - Kim Dung). |
Thời điểm xảy ra đám cháy, cửa ngăn tầng hầm với tầng trên có tác dụng ngăn cháy lan lên trên bị hở nên khói lan nhanh.
Công an đã thu giữ các camera, hệ thống dữ liệu của hệ thống chữa cháy tự động, báo cháy, đồng thời lấy thông tin trình bày từ những người liên quan.
Cũng theo báo chí đưa tin, các cơ quan tố tụng cũng đang gấp rút hoàn tất việc khám nghiệm pháp y. Sự việc khiến 13 người tử vong, 28 người bị thương, cháy 13 xe ô tô trong đó có 5 xe bị thiêu rụi hoàn toàn, cháy 150 chiếc xe máy.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, đây là sự cố cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Theo luật sư Thơm, để có căn cứ xử lý vụ việc, các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ nguyên nhân cháy nổ dẫn tới hậu quả thiệt hại về người và tài sản.
Trên cơ sở kết luận giám định của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân vụ cháy sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo quy định pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố điều tra và xử lý người có hành vi phạm tội.
Báo chí dẫn nguồn tin cơ quan chức năng nguyên nhân ban đầu có thể do lửa xuất phát từ một phương tiện dưới tầng hầm (có thể là một chiếc xe) dưới tầng hầm, sau đó lan rộng. Như vậy, cần phải xác định nguyên nhân cháy nổ từ phương tiện này là hành vi có chủ ý hay không.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi họp báo về vụ cháy chung cư Carina. (Ảnh - Hà Khánh). |
Nếu có căn cứ xác định, chủ phương tiện có hành vi cố ý gây cháy nổ, với hậu quả xảy ra sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về Tội giết người và Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 178 BLHS 2015.
Ngoài ra, nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vì động cơ chính trị, nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 113 BLHS 2015.
Nếu xác định nguyên nhân cháy do chập cháy điện từ hệ thống điện của tầng hầm thì cần làm rõ người trực tiếp quản lý hệ thống điện của chung cư có vi phạm quy định về PCCC hay không.
Nếu người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hệ thống điện của chung cư không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng quy định của luật PCCC dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 313 BLHS 2015.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định các quy định cụ thể nào bị vi phạm trong các văn bản pháp luật về PCCC, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu xác định người có lỗi (vô ý hay cố ý) gây cháy nổ dẫn tới thiệt hại, ngoài trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định tại các Điều 589, 590, 598 Bộ luật dân sự 2015.
Nếu người của pháp nhân gây ra, thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cháy nổ được xác định rủi ro có thể căn cứ Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì Nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải mua bảo hiểm bắt buộc.
Như vậy, nếu thiệt hại xảy ra thì Bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bảo hiểm sẽ từ chối trách nhiệm bồi thường rủi ro trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2018/NĐ-CP./.
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại về tài sản dưới mức 500 triệu đồng hoặc gây chết 1 người, tùy mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
2. Người nào vi phạm gây thiệt hại từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc làm chết 2 người tùy mức độ sẽ bị phạt từ 5 năm đến 8 năm tù.
3. Người nào gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác từ 61% trở lên hoặc làm chết 3 người, căn cứ tùy mức độ có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm...
Điều 123. Tội giết người.
Người nào phạm tội giết từ 2 người trở lên, dưới 16 tuổi, phụ nữ biết là có thai, giết người đang thi hành công vụ, người thân, có tổ chức... tùy mức độ có thể bị phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa... tùy mức độ thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh đó, căn cứ vào kết quả điều tra để xem xét mức độ phạm tội có thể xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ thiệt hại về người và tài sản…