Theo dự kiến, ngày 21/7 này, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ đưa ra xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung (28 tuổi, quê Lạng Sơn) bị truy tố về tội giết người và cướp tài sản.

Vụ án từng gây chấn động dư luận trong thời gian qua vì trong vụ án này, năm 2013 ông Nguyễn Thanh Chấn, thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang được trả tự do sau 10 năm thụ án tù oan.

Vụ án oan xảy ra năm 2003, khi đó tại thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án giết chị Nguyễn Thị Hoan. Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt ông Chấn và cho rằng ông này là hung thủ của vụ án. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó, mặc dù ông Chấn hết sức kêu oan nhưng vẫn bị quy tội Giết người và chịu mức án chung thân. Cuối năm 2013, khi hung thủ gây án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, ông Chấn chính thức được minh oan.

Mới đây, theo nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, chuẩn bị đến ngày xét xử Lý Nguyễn Chung là hung thủ giết người thực sự trong vụ án oan chấn động Nguyễn Thanh Chấn, thì xuất hiện bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, ngụ xã Song Mai, TP Bắc Giang) là một "nhân chứng" tố cáo ông Chấn mới là tội phạm còn Chung vô tội.
nguyen_thanh_chan_bdxa.jpg
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được xin lỗi công khai
 (ảnh: Việt Đức)

Theo đó, đầu tháng 5/2015, bà Nguyễn Thị Thu Hà có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang kiến nghị làm rõ việc Lý Nguyễn Chung có phải là hung thủ thực sự trong vụ án hay không.

Dự kiến, trong phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung vào ngày 21/7 tới, sẽ có nhân chứng mới là bà Nguyễn Thị Thu Hà.

Bình luận về vấn đề này, luật sư Lê Luân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, ông đã theo dõi rất sát thông tin sự việc. Theo các bài báo phỏng vấn trực tiếp bà Nguyễn Thị Thu Hà đã nổi lên rất rõ các vấn đề pháp lý cũng như khách quan mà phải bác bỏ tư cách của bà này ngay tức khắc.

Theo Luật sư Luân, bà Hà không có bất cứ điều gì chứng minh những lời nói bà ta đưa ra và cũng không có liên quan gì trong vụ án này. Bà Hà không phải nhân chứng trực tiếp, mà là tự bà này nhận rằng đã "nghe bà Hải và mọi người kể lại có việc chạy án của ông Chấn và thuê Chung nhận tội thay", mà của thời điểm 10 năm trước. Vì thế, bà Hà không có đủ tư cách để tham gia tố tụng với vai trò "nhân chứng" đã quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nhân chứng mới có thể bị truy tố về tội “vu khống”?

Theo luật sư Luân, không hề có bất cứ chứng cứ khách quan nào mà tự bà này "suy ra như vậy vì xâu chuỗi các sự kiện lại thấy nó vô lý". Bà Hà không phải cơ quan hay người tiến hành tố tụng, người liên quan hoặc người có bất cứ quyền hay nghĩa vụ tố tụng nào nên không có quyền tự suy diễn, tự cho mình lý lẽ đó để tham gia tố tụng trong vụ án này.

“Bởi vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng chuẩn xác các quy định của pháp luật về nhân chứng, về chứng cứ, nếu không sẽ có nguy cơ dẫn đến một sự oan sai tiếp theo chồng lên lần nữa trên cuộc đời ông Chấn”- Luật sư Luân nhấn mạnh.

Theo Luật sư Lê Luân, Điều 122, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về Tội vu khống: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1-7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với nhiều người; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người thi hành công vụ; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Luật sư Luân cho rằng, căn cứ vào Điều luật trên bà Hà có thể bị truy tố về tội vu khống; hoặc bị truy tố về tội đối với việc xâm phạm các hoạt động tư pháp về hành vi cản trở cách hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, cụ thể là khai báo gian dối./.