Thời gian gần đây, nhiều người bị điều tra, truy tố, xét xử oan sai đã được công khai xin lỗi, khôi phục danh dự và vị trí việc làm. Tuy nhiên đối với bồi thường thiệt hại về vật chất, người bị oan sai đang tiếp tục “bị hành” do nhiều quy định thiếu khả thi cũng như cách làm máy móc của những người được giao nhiệm vụ.
Những vụ án oan sai được phát hiện liên tiếp thời gian qua khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành hẳn một phiên chất vấn công khai và dư luận xã hội băn khoăn đặt câu hỏi về năng lực, lương tâm và trách nhiệm của những người được pháp luật trao quyền khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử… đang ở mức độ nào?
Ông Nguyễn Thanh Chấn và vợ (Ảnh: Việt Đức) |
Có một sự thật giống nhau trong nhiều vụ oan sai là khi bắt giam, truy tố, xét xử đều được thực hiện rất nhanh, nhưng sau khi phát hiện oan sai, tiến hành xin lỗi, bồi thường lại chậm chạp, để công dân bị oan phải mỏi mòn chờ đợi hàng năm, thậm chí hàng chục năm do những đòi hỏi phi thực tiễn từ các quy định của pháp luật cùng với việc áp dụng máy móc, thậm chí vô cảm của những người được giao nhiệm vụ thương lượng, bồi thường với người bị oan.
Trường hợp ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình là một trong rất nhiều ví dụ về bồi thường oan sai kéo dài. Ông Phi đang làm chủ một doanh nghiệp ăn nên làm ra ở địa phương thì bị bắt giam, bị kết án tù từ năm 1998, đến năm 2000 được minh oan. Qua 6 lần thương lượng không thành, gần chục lần xét xử; vụ việc của ông từng được nhiều Đại biểu Quốc hội lên tiếng, được “lấy ví dụ điển hình” tại không ít phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông đã phải viết hàng trăm lá đơn gửi các cấp, các ngành … Nhưng 15 năm trôi qua (kể từ ngày được tuyên bố oan sai), ông vẫn chưa nhận được đầy đủ số tiền bồi thường thiệt hại.
Gần đây nhất, trường hợp yêu cầu bồi thường oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang cũng đang có dấu hiệu bước vào vòng luẩn quẩn và có khả năng tiếp tục kéo dài, thậm chí bế tắc nếu cơ quan có trách nhiệm bồi thường chỉ máy móc dựa vào những câu chữ của các điều luật “đề nghị ông và gia đình xuất trình hóa đơn chứng minh những tổn thất tinh thần”.
Suốt 10 năm ngồi tù oan, không thể tả hết những nỗi khổ tâm, dằn vặt, những mất mát về tinh thần, vật chất và giày vò về thể xác, nhất là người bị kết án phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng” phải cách ly xã hội trong điều kiện ngặt nghèo như ông Chấn. Ông ra tù với hai bàn tay trắng, bệnh tật, gia đình ly tán, suốt thời gian đi kêu oan, gia đình và bản thân ông chỉ mong ngóng “được đèn giời soi thấu nỗi oan”. Thử hỏi, với áp lực như vậy, thì còn đâu tâm sức, còn đâu sự tỉnh táo để ông lưu giữ hóa đơn, chứng từ, vé ô tô đi lại, hóa đơn photo tài liệu và những giấy tờ khác liên quan đến thiệt hại của 10 năm ngồi tù để yêu cầu bồi thường oan sai?
Còn ông Lương Ngọc Phi khi trả lời báo chí đã chua chát rằng: “Từ một Giám đốc doanh nghiệp ở độ tuổi 50, sau 2 năm ngồi tù và hàng chục năm đi đòi bồi thường oan sai, tôi đã trở thành một ông lão gần 70 tuổi. Tôi không biết có sống được đến lúc nhận được đầy đủ tiền bồi thường oan sai hay không”.
Nhưng thực tế đáng buồn vẫn cứ diễn ra: trường hợp ông Lương Ngọc Phi và ông Nguyễn Thanh Chấn đang khá phổ biến khi người bị oan sai yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nghị quyết 388 năm 2004 về bồi thường oan sai vốn gặp khá nhiều rào cản khắt khe đã được thay thế bằng Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2010. Nhưng luật này cũng chưa khắc phục được là bao so với Nghị quyết 388 sau 6 năm thi hành bởi những quy định đang “đánh đố” người bị oan sai là “phải chứng minh được những thiệt hại về vật chất, tinh thần, những tổn hại về sức khỏe bằng các hóa đơn, chứng từ hợp pháp”.
Quốc hội đang thảo luận dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) với mục đích từng bước phòng chống oan sai. Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với sửa đổi Bộ luật này, cần sửa Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước và có giải pháp nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của những người làm công tác pháp luật.
Theo đó, không bắt buộc người bị oan phải xuất trình hóa đơn, chứng từ đối với tất cả thiệt hại, mà cần quy định mức tiền cụ thể để người bị oan sai không bị “đánh đố” bằng giấy tờ hợp pháp để chứng minh thiệt hại. Mặt khác cũng không để tòa cấp dưới xét xử tòa cấp trên với tư cách bị đơn như trường hợp ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, mà nên giao việc xét xử này cho cơ quan trọng tài giải quyết. Có như vậy mới hy vọng phần nào giúp người bị oan không tiếp tục “bị hành” và để họ cùng những công dân khác không phải thêm một lần nữa mất niềm tin vào công lý./.