Vụ việc Giám đốc một Công ty bảo vệ ở TPHCM nổ súng đe dọa một phụ nữ trong một clip đăng trên mạng vào tối 5/12 khiến dư luận không khỏi bức xúc.

no_sung_de_doa_epra.jpg
Ông Phương dùng súng uy hiếp người phụ nữ (Ảnh cắt từ clip).
Theo thông tin trên An ninh Thủ đô, bước đầu, làm việc với Công an quận Tân Bình (TPHCM), ông Bùi Đức Phương – Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Việt Nhật đã thừa nhận hành vi dùng súng uy hiếp và nổ súng dọa bà Nguyễn Thị Thúy (SN 1971, ngụ quận Tân Phú) đúng như đoạn clip phát tán trên mạng xã hội mô tả. Công an cũng đã làm rõ, khẩu súng mà ông Phương sử dụng là công cụ hỗ trợ, bắn đạn hơi cay.

Vấn đề đặt ra, có hay không hành vi đe dọa giết người theo Điều 103 BLHS 1999?

Làm rõ nội dung này, Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dựa trên hình ảnh của clip cho thấy ông Phương chĩa súng lên trời và bóp cò súng, có thể thấy rằng hành vi của ông Phương mang tính đe dọa, cảnh cáo nên chưa có đủ căn cứ để xử lý về mặt hình sự. Chỉ xử lý hình sự trong trường hợp ông Phương chĩa thẳng súng vào người phụ nữ dù bắn trúng hay không trúng. Do vậy, trường hợp của ông Phương chỉ có thể xem xét xử phạt hành chính.

Luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng việc xác định mức độ vi phạm phải căn cứ vào hành vi. Ở đây có thể ý chí của ông Phương là chĩa súng về phía người phụ nữ để bóp cò, nhưng hành vi diễn ra lại không như vậy. Còn bị hại có thể chưa cảm nhận được sự đe dọa có diễn ra hay không. Vì lẽ đó chỉ có thể nói ý chí của ông Phương chỉ là nhằm đe dọa người phụ nữ này, không đạt các yếu tố cấu thành tội đe dọa giết người.

Tuy nhiên, qua vụ việc này có thể thấy rằng cần phải xem xét lại các yếu tố về con người. Trên thực tế, luật đã có quy định khá đầy đủ và chặt chẽ đối với việc sử dụng công cụ hỗ trợ ở các công ty bảo vệ, vấn đề ở chỗ con người trong quá trình sử dụng đã không tuân thủ, không kiểm soát được hành vi của mình nên đã có những hành động nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, hành vi này cá nhân phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Chi đề nghị nên chăng có sự rà soát, kiểm tra định kỳ về tâm lý con người đối với những cá nhân được cấp phép sử dụng công cụ hỗ trợ, để ngăn chặn những hành vi nổ súng bữa bãi.

Như đã thông tin tối 5/12, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh đôi co giữa người đàn ông với người phụ nữ, sau đó người đàn ông trong clip có hành động rút súng dí thẳng vào đầu người phụ nữ rồi bắn 1 phát lên trời.

Theo tìm hiểu của cơ quan chức năng, sự việc xảy ra vào khoảng 15h chiều 5/12, trước trụ sở Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Việt Nhật ở phường 15, quận Tân Bình.

Người đàn ông cầm súng trong clip là ông Bùi Đức Phương, Giám đốc công ty này, còn người phụ nữ trong clip bị dí súng là bà Nguyễn Thị Thúy, 45 tuổi, ngụ quận Tân Bình, mẹ của một nhân viên từng làm ở đây nhưng đã nghỉ việc. Người mẹ đến công ty để đòi lại số tiền hơn 4 triệu đồng mà công ty đang nợ con bà.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, hành vi bắn súng đe dọa phụ nữ của giám đốc công ty vệ sĩ là không thể chấp nhận được và đang chờ phía công an báo cáo cụ thể. Sau khi có báo cáo cụ thể từ Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ có hướng chỉ đạo điều tra, xử lý./.

Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội đe dọa giết người:

1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Đối với nhiều người;

b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

c) Đối với trẻ em;

d) Để che giấu hoặc trốn tránh  việc bị xử lý về một tội phạm khác.