Cân nhắc trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra VKS

Làm việc tại hội trường chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo tờ trình, dự thảo luật đưa ra các nhóm được trang bị vũ khí quân dụng trong đó có Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

to_lam_dokb.jpg
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày báo cáo tại hội trường

Về vấn đề này, báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vì cho rằng, căn cứ tính chất của hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ Nhà nước nên không cần thiết phải sử dụng vũ khí quân dụng.

Ngoài ra, việc trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho công an xã, ông Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho Công an xã vì đây không phải là lực lượng Công an nhân dân chính quy.

Quy định nổ súng không cần cảnh báo

Theo Bộ trưởng Công an, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quy định về nguyên tắc và các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt

Tuy nhiên, quy định của Pháp lệnh chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là trong công tác cảnh vệ để ngăn chặn hoặc tiêu diệt đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tấn công đối tượng cảnh vệ thì được phép nổ súng ngay mà không cần phải thực hiện các hình thức cảnh báo.

Bởi vậy, dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về các trường hợp nổ súng.

Theo đó, khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia việc nổ súng thực hiện theo quy định của pháp luật; Nổ súng sau khi đã cảnh báo; nổ súng không cần cảnh báo…

Về vấn đề này, ông Võ Trọng Việt cho hay, đa số ý kiến tán thành với các quy định về nổ súng.

Điều luật đã quy định rõ các trường hợp nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, thực hiện nhiệm vụ độc lập, các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu các quy định về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết trong Bộ luật hình sự để cụ thể hóa trong Điều luật này nhằm bảo đảm chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định nguyên tắc nổ súng, còn các trường hợp nổ súng cụ thể cần được quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát các quy định về nổ súng trong các luật chuyên ngành để quy định tại Luật này bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, cụ thể, khả thi mà không phải dẫn chiếu sang các luật khác; đề nghị xác định rõ người có thẩm quyền quyết định nổ súng trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ có tổ chức và trách nhiệm của cá nhân đó khi để xảy ra sai phạm.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định các trường hợp nổ súng liên quan đến đối tượng có hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… để bảo đảm phù hợp với chính sách xử lý hình sự và đề nghị rà soát để chỉnh lý quy định tại khoản 3 và khoản 4 bảo đảm phân định rõ các tình huống nổ súng nhằm tạo điều kiện cho việc thực thi và xử lý vi phạm./.

Điều 21. Quy định nổ súng

4. Những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo

a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

đ) Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.