Bước tiến rất lớn trong khoa học pháp lý
“Tôi đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi). So với Bộ luật hiện hành, Bộ luật sửa đổi có bước tiến rất lớn trong khoa học pháp lý của nước ta, tạo ra cơ sở pháp lý tốt hơn cho hoạt động tố tụng hình sự của nước ta trong thời gian sắp tới”-PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp |
Theo PGS.TS Nguyễn Thái Phúc một điểm mới nổi bật nhất trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) là đã ghi nhận được nguyên tắc tranh tụng vào Chương những nguyên tắc cơ bản của Tố tụng hình sự của nước ta. “Có thể nói, đây là một bước tiến rất lớn về mặt nhận thức cũng như các quy định của luật. Đây cũng là một bước thể chế hóa nguyên tắc hiến định của Hiến pháp 2013 cũng như tinh thần cải cách tư pháp của nước ta”.
PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cho rằng, Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự khi ghi nhận nguyên tắc tranh tụng có thuận lợi hơn trước kia, bởi Hiến pháp 2013 đã giải quyết câu chuyện này. Nếu vào thời điểm ban hành Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, thì việc có thừa nhận tranh tụng như một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng Hình sự hay không đã gây tranh cãi rất nhiều. Vấn đề này cũng đã đưa ra Quốc hội thảo luận nhưng không được thông qua. Cho nên đây là một bước phát triển lớn về mặt nhận thức. Từ nhận thức sẽ dẫn đến việc đưa các quy định của luật vào thực tiễn. Tôi đánh giá nhận thức này giống như thời kỳ nước ta nhận thức về kinh tế thị trường. Khi nhận thức kinh tế thị trường là một quy luật khách quan thì nó chính là cơ sở cho sự nghiệp đổi mới”.
Ông Huỳnh Văn Nén xin tạm ứng 1 tỷ bồi thường oan sai vì rất khó khăn
“Bây giờ xảy ra một vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, để khẳng định sự việc đó có phải là tội phạm hay không, ai là người thực hiện hành vi tội phạm, thì Tòa án phải là người trả lời câu hỏi để xác định sự thật trong vụ án đó là gì. Vì thế, muốn đi đến chân lý khách quan thì tự thân hoạt động này đòi hỏi phải có sự tranh tụng của hai bên, bên buộc tội và bên bào chữa. Hai bên này phải có cơ hội pháp lý như nhau, bình đẳng với nhau trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Và có một bên thứ 3, đó là Tòa án làm trọng tài, khi đó mới có được chân lý khách quan. Nếu chúng ta không thừa nhận quy luật khách quan đó thì đương nhiên mục tiêu cuối cùng là chân lý khách quan không được bảo đảm và hoạt động tố tụng sẽ dẫn đến sự phiến diện, coi nhẹ bào chữa, chỉ đề cao hoạt động của Nhà nước, các cơ quan kiểm sát, công an, điều tra, tòa án...”- PGS.TS Nguyễn Thái Phúc nói.
Coi nhẹ hoạt động bào chữa sẽ dẫn đến oan sai
Theo PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, coi nhẹ hoạt động bào chữa thì đương nhiên kết quả sẽ là phiến diện, sẽ dẫn đến những oan sai, sai lầm trong hoạt động tư pháp. Hoạt động bào chữa phải bình đẳng với hoạt động buộc tội. Anh đưa ra chứng cứ thì tôi cũng có chứng cứ để bảo vệ bình đẳng với nhau ở một phiên tòa công khai. Tòa án hoạt động hoàn toàn độc lập, sẽ nghe ý kiến của cả hai bên để có thông tin, có cái nhìn từ cả hai phía. Trên cơ sở đó Tòa sẽ đi đến quyết định của mình. Có như vậy thì mới khách quan.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cho rằng, từ việc nhận thức được quy luật khách quan, chúng ta ghi nhận tranh tụng như một nguyên tắc cơ bản ở trong luật Tố tụng hình sự thì còn đòi hỏi phải cụ thể hóa nội dung đó vào trong những điều luật cụ thể. “Nếu chỉ dừng lại ở nguyên tắc cơ bản nó chỉ là khẩu hiệu. Cho nên đó là đòi hỏi, thách thức đối với ban soạn thảo”.
Vụ án oan Huỳnh Văn Nén: Phải khởi tố những người gây oan sai!
“Chúng ta rất cần đến hoạt động bào chữa. Thứ nhất nó như là công cụ để bảo vệ quyền lợi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Thứ hai nó là sự phản biện đối với hoạt động buộc tội, là hoạt động rât cần thiết cho chính các cơ quan buộc tội và là cơ sở để Tòa án nhìn được sự việc, những tình tiết trong vụ án một cách đúng đắn, khách quan hơn. So với Bộ luật 2003, chúng ta đã đề cao, mở rộng hơn quyền hạn của những người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, quyền của luật sư....Ví dụ quyền được thu thập chứng cứ, trong Bộ luật 2003, chúng ta mới chỉ thừa nhận cho người bào chữa quyền được thu thập tài liệu, đồ vật chứ ta không thừa nhận đó là chứng cứ. Nhưng bây giờ luật đã gọi đích danh là chứng cứ và khái niệm về chứng cứ cũng đã có sự sửa đổi, thay đổi để phù hợp hơn. Đó cũng là một bước tiến mới...”- PGS.TS Nguyễn Thái Phúc nói./.