Núi Chín Khúc là ngọn núi lớn thuộc địa phận thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm, đang có rất nhiều dự án với tổng diện tích hơn 700 héc-ta. Chủ đầu tư là Công ty Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa đã cho bạt núi, làm con đường kéo dài cả chục km từ chân đồi lên đỉnh núi để thực hiện dự án tâm linh Cửu Long Sơn Tự với diện tích hơn 500 héc-ta, nhưng chưa có phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất ở. Thế nhưng, trong quyết định giao đất năm 2015 của tỉnh Khánh Hòa có 7.500 m2 thể hiện là đất ở. Phía dưới là dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, với diện tích gần 20 héc-ta.
Đây là 2 dự án có nhiều sai phạm về quản lý đất đai dẫn đến việc 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là các ông Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng bị khởi tố. Khu “đất vàng” tại số 1 đường Trần Hưng Đạo, đối diện Tỉnh ủy Khánh Hòa, là nơi có trụ sở của Trường Chính trị tỉnh cũng được thực hiện dự án BT, đến nay mọc lên Tổ hợp thương mại, chung cư, với 2 khối nhà cao đến 40 tầng.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây chỉ là một phần trong số nhiều dự án sai phạm về mặt quy hoạch, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường: “Sai phạm đó tôi cho là nghiêm trọng. Khu đó trở thành chật chội, đằng trước đã cao rồi, đằng sau tiếp tục sát làm cao thêm, khiến thành phố dày đặc lên và bị chắn hết bộ mặt. Trong quy hoạch không nói đến việc sử dụng đất trên các triền đồi như núi Cô Tiên, Chín Khúc nhưng người ta đã cấp phép cho các dự án. Điều đó là quá sai”.
Liên quan đến dự án BT Trường Chính trị tỉnh, trước đó, ông Đào Công Thiên (59 tuổi), cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà và ông Võ Tấn Thái (60 tuổi) nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt tạm giam. Đây là dự án mà UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất cho Công ty Thanh Yến sử dụng không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tỉnh không tổ chức đấu giá đất dẫn đến việc giá thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất thực tế thấp so với giá thị trường cùng thời điểm, gây thất thu lớn cho ngân sách.
Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, giai đoạn thực hiện dự án, kinh tế Khánh Hòa khó khăn, ông luôn mong tạo được công ăn việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách nên đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế của địa phương. Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, tỉnh Khánh Hòa đã mời thầu 3 lần, có hai doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư, nhưng đến khi thẩm định năng lực thì chỉ có Công ty Thanh Yến xin đầu tư.
“Tỉnh mời thầu 3 lần có 2 nhà đầu tư đăng ký và chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm. Theo Nghị định 108 được phép chỉ định nhà đầu tư. Trước khi chỉ định phải xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy. Không có động cơ về cá nhân, động cơ là làm cho tỉnh phát triển, dân Nha Trang có việc làm”, ông Thắng nói.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố 3 vụ án liên quan đến quản lý đất đai, tài sản công tại tỉnh Khánh Hòa. Cùng với đó, 5 cựu quan chức đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Đó là 2 cựu Chủ tịch UBND Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh; ông Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Mộng Điệp, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và ông Võ Tấn Thái, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra, làm rõ các sai phạm. Ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, các sai phạm của các Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kéo dài từ năm 2011-2018, nhiều khu đất vàng bằng cách này, cách khác đã được giao cho tư nhân, không đấu thầu, đấu giá dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước: “Cái đó xuất phát từ chủ quan, không thèm nghe ý kiến của cấp dưới dẫn đến sai thôi. Nếu cấp dưới có ý kiến rồi thì mình tổng hợp lại ý kiến đó, để ra quyết định thì nó sẽ phát huy được dân chủ, quyết định của mình lại đúng hướng”.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đang tập trung khắc phục tồn tại, thiếu sót mà các đoàn kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra. Bên cạnh việc điều tra, xử lý các cán bộ sai phạm thì nhiệm vụ quan trọng là thu hồi tài sản, ngân sách bị thất thoát.
“Dự án không thông qua đấu giá, đấu thầu thì phải thuê tư vấn để xác định lại giá để tránh thất thoát. Tỉnh đã rà soát lại hết, sắp đến sẽ mời các chủ đầu tư đến trao đổi, vừa đấu tranh vừa buộc các nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Hiện đã có một số doanh nghiệp đồng ý còn một số doanh nghiệp chưa chấp nhận”, ông Tuân nói./.