Liên quan đến phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng – nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng và đồng phạm về tội “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài” chiều 8/1, HĐXX đã quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi: “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.

Theo quyết định mà chủ tọa phiên tòa – ông Trương Việt Toàn công bố: căn cứ vào điều 13, điều 104, Bộ Luật Tố tụng hình sự; căn cứ vào pháp lệnh số 30 ngày 28/12/2000 về bảo vệ bí mật Nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 33 ngày 28/3/2002 của Chính phủ chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước; Quyết định số 13 năm 2010 ngày 12/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục về bí mật Nhà nước độ tuyệt mật và tối mật trong lực lượng công an nhân dân.

img_6705.jpg
Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định khởi tố vụ án

Đồng thời căn cứ vào lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, của nhân chứng Dương Chí Dũng và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án Dương Tự Trọng và các đồng phạm bị Viện Kiểm sát Tối cáo truy tố về tội “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài”.

Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa vào ngày 7-8/1/2014; căn cứ vào đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, HĐXX xét thấy có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo quy định tại Điều 263, Bộ Luật hình sự.

Theo đó, HĐXX quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Quyết định này được gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội.

Trong phần tuyên bố bản án, chủ tọa phiên tòa cũng nhận định, xét lời khai của ông Dương Chí Dũng về các tình tiết liên quan đến vụ án, HĐXX thấy rằng, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa ngày hôm nay, Dương Chí Dũng một lần nữa khẳng định: Nhận được thông tin sẽ bị khởi tố và sẽ bị bắt tạm giam đồng thời nghe lời khuyên, lánh đi một thời gian thì Dương Chí Dũng đã bỏ trốn đúng thời điểm nhận được thông báo khởi tố. Lời khai đó đúng với nhật ký mà Dũng đã ghi trong sổ theo dõi hành trình bỏ trốn, phù hợp với lời khai của Vũ Tiến Sơn tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa. Vũ Tiến Sơn khẳng định đã được Dương Tự Trọng nói, là có “sếp to” trên Bộ Công an bảo lãnh đi.

Xét lời khai tại phiên tòa, HĐXX xét thấy, đây là chuyên án mà cơ quan có thẩm quyền đang xem xét, điều tra khởi tố thuộc loại thông tin tuyệt mật của Nhà nước nhưng đã có sự lộ thông tin để Dương Chí Dũng trốn khỏi Việt Nam.

Thực tế, Dương Chí Dũng đã trốn, trước khi có quyết định khởi tố một ngày gây khó khăn cho công tác điều tra, gây sự hoài nghi trong nhân dân. Mặt khác, xét đề nghị của Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị khởi tố vụ án là có căn cứ.

HĐXX thấy có dấu hiệu cần khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Làm lộ bí mật Nhà nước” và giao cho Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội tổ chức báo cáo với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật.

HĐXX cũng đề nghị Viện Kiểm sát làm rõ hành vi nhận 510.000 USD để chạy tội cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines và hành vi nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát và dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Nếu có căn cứ vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại ngày xét xử thứ nhất của phiên tòa Dương Tự Trọng và đồng phạm, với tư cách là nhân chứng của vụ án, Dương Chí Dũng đã khai tên cán bộ công an đã báo tin cho Dương Chí Dũng biết để trốn. Đồng thời Dương Chí Dũng cũng khai “hành trình” chi hàng trăm ngàn USD để chạy án vụ Vinalines nhưng bất thành.

Cũng tại phiên tòa, trong phần tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị khởi tố để điều tra vụ hành vi “Cố ý làm lộ bí mật công tác”./.

Điều 263: Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước.

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Điều 263 BLHS là một tội ghép của các tội: Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; Tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước; Tội mua bán tài liệu bí mật Nhà nước và tội tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước.