Đó là những chia sẻ của nhóm phóng viên thực hiện chương trình “Gửi lời xin lỗi” sau hơn nửa năm phát sóng. Cũng hơn nửa năm qua, ê-kíp thực hiện chương trình đã luôn cố gắng mang lại cho quý thính giả những câu chuyện thật nhất, đời nhất về những mảnh đời lầm lỗi, khao khát được hoàn lương. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), hãy cùng lắng nghe tâm sự và trải nghiệm của những người thực hiện chương trình, để phần nào đó thấu hiểu hơn những người theo sát và gắn bó với mảng đề tài trại giam – Một mảng đề tài luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ và giàu tính nhân văn.
Năm 2013, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (còn gọi là Tổng cục 8), Bộ Công an đã tổ chức Cuộc thi viết tự truyện với chủ đề: ''Sự hối hận và niềm tin hướng thiện'' cho các phạm nhân. Thời điểm ấy, cuộc thi chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nhưng đã thu hút hơn 23.000 phạm nhân, trại viên tham gia. Sau sự thành công đó, Tổng cục VIII tiếp tục cuộc phát động viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi" rộng rãi trên khắp ở các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và các trường giáo dưỡng trong cả nước. Xuất phát từ tính nhân văn của cuộc phát động, Kênh VOVGT Quốc gia đã phối hợp với Tổng cục VIII, Bộ Công an phát sóng chương trình “Gửi lời xin lỗi”. Và từ đây, hành trình của những trải nghiệm mới, cùng những câu chuyện về cuộc đời những người phía sau song sắt cũng được bắt đầu.
Những cuộc hành trình đến các trại giam luôn mang lại cho ê-kíp thực hiện chương trình những trải nghiệm mới mẻ. Bởi ở đó, phía sau song sắt là hàng trăm, hàng ngàn số phận khác nhau. Và chẳng có câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Nào một Lê Văn Luyện máu lạnh với sự sám hối tội ác do mình gây ra mà ít ai có thể tin được. Nào những tay giang hồ cộm cán, từng là nỗi kinh hoàng khi còn ở ngoài xã hội, dùng máu để giải quyết những ân oán, nợ nần. Hoặc đó cũng có thể là những nữ phạm vùi chôn tuổi thanh xuân của mình chốn lao tù chỉ vì một phút cuồng ghen…
Với mỗi phóng viên thực hiện chương trình này, để vẽ lại cuộc đời lầm lỗi của một con người trong vài tiếng đồng hồ tiếp xúc đã là điều khó. Nhưng vẽ lại cuộc đời của một phạm nhân để khiến họ hiểu ra sai lầm hay nỗi đau của mình không phải đang bị đào xới thêm một lần nữa lại càng khó hơn gấp bội. Thành công hay thất bại với nhân vật? Làm thế nào để các phạm nhân sẵn sàng trải lòng, hòa mình vào câu chuyện? Đôi khi nó được quyết định ngay từ bước khởi đầu này.
Nhà báo Nguyễn Thịnh – Trưởng nhóm phóng viên thực hiện chương trình Gửi lời xin lỗi chia sẻ: "Lần tiếp xúc đầu tiên với những phạm nhân luôn để lại một ấn tượng khá mạnh mẽ với các thành viên thực hiện chương trình. Hầu hết các phạm nhân đều cố gắng thu mình trước những câu hỏi của chúng tôi. Nhưng dù có cứng rắn đến đâu thì họ vẫn luôn tỏ ra mềm yếu khi nhắc tới gia đình. Có phạm nhân từ đầu đến cuối buổi nói chuyện chả nói câu nào, nhưng chỉ cần nhắc đến bố mẹ già và con thơ nơi quê nhà thì họ ôm mặt khóc. Thực sự đó là những trường hợp vừa ấn tượng, lại vừa bất ngờ đối với chúng tôi".
Còn với phóng viên Lê Huy cho rằng: "Dù đã quen với việc tiếp xúc phạm nhân, nhưng khi gặp và nói chuyện với các nữ phạm nhân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều chị em chỉ nói ngắn gọn một câu: “Chuyện buồn quá rồi, nhắc lại làm gì nữa. Em không muốn nhắc lại…”. Những lúc đó nếu phóng viên không linh hoạt thì chắc chắn chương trình sẽ bị đổ hoặc chậm tiến độ. Song cũng từ những việc như vậy, chúng tôi lại nhắc nhở nhau rằng, những thứ mình biết về mảng đề tài trại giam chỉ như muối bỏ bể. Và không bao giờ cho phép mình được chủ quan, phải luôn luôn tìm hiểu và tiếp thu những điều khác lạ ở mảng đề tài này".
Đội ngũ phóng viên trẻ tuổi, năng nổ của chương trình luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình
Đã có không ít chuyến công tác, nhiều cán bộ quản giáo tại trại giam cũng phải “lắc đầu ngao ngán” trước sức chiến đấu của nhóm phóng viên thực hiện chương trình. Đầu tiên là việc phải tuyệt đối tuân theo thời gian biểu của Ban giám thị trại giam. Lúc phạm nhân thức giấc cũng là lúc ê-kíp thực hiện vào việc. Nhiều cán bộ quản giáo thường hay đùa vui: “Thế nào nhà báo? Đã quen với cuộc sống trong trại giam chưa? Nhà báo mà cũng dậy sớm phết nhỉ?”. Những lúc như vậy, chúng tôi chỉ cười, rồi tếu táo đáp lại: “Nhập gia thì phải tùy tục thôi cán bộ ơi”!
Tuy thời gian biểu có xáo trộn, nhưng đó không phải đề quá lớn với chúng tôi. Điều sợ nhất đó là chuyện nắng mưa. Cũng thời điểm này cách đây một năm, khi chúng tôi thực hiện chuyến công tác đầu tiên ở trại giam số 3, nằm trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Thật sự mà nói, cái nắng của miền Trung khó chịu và ngột ngạt đến nhường nào. Ở đây, ngoài cái nắng như “thiêu da, đốt thịt”, thì còn có những cơn gió Lào bỏng rát. Mà lạ lắm, cái thứ gió Lào càng quạt thì càng nóng. Đã vậy trong quá trình phỏng vấn phạm nhân, do đặc thù của phát thanh kén tiếng động, vì vậy hầu hết những cuộc phỏng vấn đều diễn ra trong một căn phòng khép kín để hạn chế tối đa những tạp âm, thậm chí ngay cả quạt cũng không được sử dụng. Kết thúc buổi làm việc, cũng là lúc quản giáo và phóng viên nhìn nhau cười vì ai nấy mướt mát mồ hôi từ đầu tới chân.
Những hoàn cảnh éo le, những nỗi niềm thầm kín của phạm nhân đón nhận được sự cảm thông sâu sắc từ phía khán, thính giả
Bên cạnh những mảnh đời lầm lỗi luôn có những bàn tay sẵn sàng chìa ra giúp đỡ phạm nhân thoát khỏi vũng bùn tội lỗi – Đó chính là tấm lòng của các cán bộ quản giáo. Họ là những người luôn đồng hành và giúp đỡ ê-kíp thực hiện chương trình hoàn thành tốt công việc. Ở họ, không đơn thuần chỉ là công việc chuyên môn, mà còn có sự hiện hữu của tình người. Không ít cán bộ quản giáo là những người thầy, người bác sĩ, hay những cô giáo, bà mẹ nhận được sự kính trọng của phạm nhân. Nhiều trường hợp phạm nhân chán nản với bản án quá dài, nghĩ đến cái chết để kết thúc tất cả, nhưng cũng chính họ đã hoàn toàn thay đổi thành một con người khác khi nhận được lời khuyên răn kịp thời từ các cán bộ quản giáo.
Trại giam đã trở thành một ngôi nhà thứ 2 với nhiều phạm nhân. Là một ngôi nhà đặc biệt bởi nó được bao bọc bởi kỷ luật, tình thương và trách nhiệm. Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam Thanh Lâm đã từng nói: "Trong những năm qua trại chúng tôi phát động phong trào, phạm nhân coi trại là nhà. Đã coi trại là nhà thì phải có tôn ti trật tự, có tình yêu thương gia đình. Tạo đà cải tạo, thành thạo học nghề, say mê học tập, lập công chuộc tội, hối lỗi hoàn lương, về đường phục thiện. Gia đình hòa thuận thì toàn trại hòa thuận. Đặc biệt là những phạm nhân cải tạo có biểu hiện chây lười, chống đối ở các trại khác đưa về đây quy án, thì họ cũng nhận thấy được cách đối xử nhân tình của tập thể cán bộ ở đây rất rõ rệt. Từ đó việc phạm nhân cãi nhau, đánh nhau trong trại giảm hẳn. Cái tình người giữa cán bộ và phạm nhân xích lại gần nhau hơn rất nhiều, khiến phạm nhân yên tâm cải tạo".
Chính từ những việc làm ý nghĩa đó của cán bộ quản giáo đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi hoàn thành tốt các chương trình. Bởi nếu một chương trình không nhận được sự quan tâm từ phía thính giả, hoặc một chương trình không đi được đến cái đích cuối cùng thì luôn để lại những sự trăn trở. Nó như một chiếc đĩa tròn, nhưng bị mẻ một miếng không còn sự hoàn thiện.
Sau hơn nửa năm phát sóng chương trình “Gửi lời xin lỗi”, Ban biên tập đã nhận được rất nhiều lời động viên và góp ý của quý thính giả. Khen có, chê có, thậm chí góp ý theo kiểu nhẹ nhàng hay cáu giận cũng có… Tất cả những điều đó đều được mọi người ghi nhận để hoàn thiện hơn, hướng tới một chương trình thực sự thành công về cả chất và lượng. Một số thính giả chia sẻ cùng chương trình.
Từ những mảnh đời có thật, không hề được thêu dệt, thêm bớt, nhóm phóng viên thực hiện chương trình “Gửi lời xin lỗi” luôn cố gắng mang đến cho thính giả những câu chuyện thầm kín phía sau song sắt. Ở đó là sự trải lòng của phạm nhân, là sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ trại giam… Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất đó là tính nhân văn, khơi dậy lòng hướng thiện của mỗi con người đã từng lầm đường lạc lối./.