Từ đầu năm đến nay, TAND tối cao và TAND một số địa phương đã mở nhiều phiên tòa xét xử các vụ án hình sự liên quan đến cán bộ nhà nước lợi dụng danh nghĩa trong quá trình công tác để chiếm đoạt tài sản của người dân.
Với hành vi phạm tội đã gây ra, các cựu cán bộ tha hóa này không những tự đánh mất công danh, sự nghiệp mà còn phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội tự mình gây ra. Mong rằng bài học từ những vụ án này sẽ cảnh tỉnh mỗi người để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
1. Nguyên Chi cục trưởng thi hành án ra quyết định trái pháp luật: Đầu tháng 3, TAND tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án ra quyết định trái pháp luật liên quan đến việc thi hành án nhà 194 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bị cáo Trịnh Ngọc Chung, 55 tuổi, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng.
Theo bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội có Quyết định số 143/2007 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung: Công ty Bắc Sơn do anh Hoàng Ngọc Minh làm Giám đốc xác nhận còn nợ ngân hàng tổng số tiền cả gốc và lãi hơn 25 tỷ 500 triệu đồng. Công ty Bắc Sơn cam kết trả ngân hàng số tiền gốc 15 tỷ đồng trong ba tháng.
Trong trường hợp Công ty Bắc Sơn không trả được nợ gốc thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật. Sau đó, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội ra Quyết định số 179 ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng thi hành Quyết định số 143/2007.
Cùng ngày, ông Chung đã ký Quyết định số 03 buộc Công ty Bắc Sơn phải thi hành khoản nợ trên và ông Chung trực tiếp tổ chức thi hành quyết định này. Nguyện vọng của anh Minh và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan là muốn thi hành Quyết định số 143/2007 bằng khối tài sản tại huyện Đông Anh, Hà Nội nhưng không được chấp thuận. Công ty cổ phần Bán đấu giá Hà Nội tiến hành bán đấu giá nhà 194 Phố Huế với giá hơn 31 tỷ 500 triệu đồng.
Người trúng thầu giá là ông Đặng Văn Thoán, ở Hà Nội đã nộp đủ số tiền trên. Đơn vị nhận tiền là Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng. Sau đó, Viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị Quyết định số 143/2007 của TAND TP Hà Nội, yêu cầu tạm đình chỉ thi hành Quyết định số 143/2007, chờ kết quả xét xử Giám đốc thẩm của TAND tối cao.
Từ kháng nghị của Viện KSND tối cao, TAND tối cao đã ra Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010, hủy Quyết định số 143/2007 của TAND TP Hà Nội, giao hồ sơ cho TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Theo đúng quy định, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng phải chờ cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết dứt điểm sự việc này thì mới tiến hành các biện pháp tiếp theo.
Thế nhưng, trong khi sự việc vẫn đang trong thời gian Tòa án xem xét, giải quyết thì ông Chung đã ký Thông báo số 03 yêu cầu ông Thoán nộp số tiền theo hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nhà 194 Phố Huế (gần 30 tỷ đồng). Sau đó số tiền này được chuyển đến cho đơn vị nhận tiền là Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng. Ông Chung ký quyết định cưỡng chế giao nhà số 194 Phố Huế và trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế để giao nhà cho ông Thoán.
Bản án sơ thẩm xác định, hồ sơ thi hành án đối với nhà 194 Phố Huế vi phạm về thủ tục, khi ông Chung đã chỉ đạo hai thư ký của mình viết thêm các nội dung không đúng sự thật liên quan đến việc bán nhà 194 Phố Huế để thi hành án. Vì thế, các thủ tục liên quan đến việc kê biên tài sản có trong hồ sơ bán đấu giá nhà 194 Phố Huế không có giá trị pháp lý, gây thiệt hại đối với gia đình anh Minh số tiền gần 6 tỷ 700 triệu đồng. Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Chung 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội ra quyết định trái pháp luật. Trong phiên xử phúc thẩm, do vắng mặt một số người liên quan nên HĐXX tạm hoãn phiên tòa.
2. Nguyên cán bộ thanh tra xây dựng phường nhận hối lộ 100 triệu đồng: Cuối tháng 2, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Vũ Song Hải, 47 tuổi, nguyên cán bộ Thanh tra xây dựng phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội về tội nhận hối lộ.
Theo cáo trạng, vợ chồng ông Lê Văn Hồng, ở quận Đống Đa, Hà Nội làm thủ tục xây nhà tại tổ 27, cụm 5, phường Hạ Đình. Vì đã nhiều tuổi, đi lại khó khăn nên vợ chồng ông Hồng nhờ cháu họ là anh Nguyễn Công Phú đứng ra trông coi hộ. Thấy những hộ xung quanh tự ý cơi nới diện tích, gia đình ông Hồng cũng xây dựng nhà vượt khoảng không đằng sau 12m2, trong đó có 4m2 đổ cột bê tông liền móng toàn bộ ngôi nhà.
Phát hiện sự việc này, Hải đến kiểm tra lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công, đồng thời nhắn chủ đầu tư lên phường giải quyết. Anh Phú đã thay mặt vợ chồng ông Hồng ký vào biên bản vi phạm và cam kết ngừng thi công, tự tháo dỡ phần sai phép. Mặc dù đã cam kết như vậy, nhưng ông Hồng vẫn mong muốn công trình tiếp tục được xây dựng.
Theo yêu cầu của ông Hồng, anh Phú đã tới gặp Hải để thương lượng. Hải nói “Phần đất gia đình ông Hồng lấn chiếm là 4m2, giá đất ở khu vực đó là 50 triệu đồng một mét vuông. Để tiếp tục được xây dựng phần lấn chiếm thì gia đình phải chi 100 triệu đồng”. Không thấy gia đình ông Hồng phản hồi lại, Hải đã chủ động gọi cho anh Phú nhắc nhở. Đúng thời gian, Hải đến điểm hẹn để nhận số tiền 100 triệu đồng từ gia đình ông Hồng thì bị cơ quan Công an bắt quả tang.
Quá trình điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng nhận thấy anh Phú cùng vợ chồng ông Hồng đã có hành vi đưa hối lộ, cũng như môi giới hối lộ. Nhưng cả ba người này đã chủ động tố cáo với cơ quan chức năng nên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. HĐXX khẳng định, hành vi phạm tội của bị cáo Hải là rất nghiêm trọng nên đã tuyên phạt Hải 16 năm tù giam về tội nhận hối lộ.
3. Nguyên quyền Chánh án Tòa án huyện lĩnh án tù vì nhận hối lộ: TAND tỉnh Hà Nam vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Duy Hiệp, 39 tuổi, nguyên Quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam) về tội nhận hối lộ. Theo cáo trạng, Hiệp là người trực tiếp thụ lý xét xử vụ án về những sai phạm liên quan đến việc thi công xây dựng đường B2B thuộc địa bàn xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm mà anh Đỗ Đức Tuân, ở Hà Nam có liên quan.
Trong quá trình xem xét vụ án, Hiệp đã gợi ý cho ông Đỗ Minh Tý (bố của anh Tuân) đưa số tiền 235 triệu đồng và hứa sẽ xét xử cho anh Tuân được hưởng án treo. Tuy nhiên, quá trình xét xử vụ án này, anh Tuân đã bị Tòa tuyên phạt 12 tháng tù giam. Bức xúc vì Hiệp không thực hiện đúng như đã thỏa thuận trước đó, gia đình ông Tý đã đến gặp Hiệp đòi lại tiền nhưng Hiệp chỉ trả lại 50 triệu đồng, số tiền còn lại Hiệp nói là đã chi phí để lo cho anh Tuân.
Sau khi nhận được đơn tố cáo của gia đình anh Tuân, Cục Điều tra - Viện KSND tối cao đã thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Hiệp. Tại phiên xử, bị cáo Hiệp đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Xét thấy bị cáo Hiệp đã khắc phục hậu quả, trả hết số tiền đã nhận của bố con anh Tuân, trong quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, bản thân Hiệp chưa từng có tiền án tiền sự nên HĐXX tuyên phạt bị cáo Hiệp 10 năm tù tội về tội nhận hối lộ.