Trước đó, chiều 4/7, nhận được tin báo của quần chúng, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức bắt quả tang các đối tượng Nguyễn Văn Thư, 37 tuổi, nhà báo đang công tác tại Tạp chí Pháp lý thuộc Hội Luật gia Việt Nam và Đào Thị Liễu, 25 tuổi, là nhân viên truyền thông của Tạp chí này có hành vi “cưỡng đoạt tài sản” của trạm trưởng một trạm y tế trên địa bàn TP Bắc Ninh.

doi_tuong_ukgm.jpgĐối tượng Nguyễn Văn Thư
Đáng chú ý, ngoài thẻ nhà báo, Thư còn có thẻ luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư tỉnh Hà Nam cấp.

Thủ đoạn của các đối tượng là khi phát hiện sai phạm của các cơ sở y tế trong việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe, tạo sức ép để buộc các cơ quan này phải ký hợp đồng tuyên truyền hoặc phải bồi dưỡng, nếu không muốn bị đưa tin trên tạp chí. Do ký hợp đồng tuyên truyền thì phải mất một số tiền lớn, phiền phức, mà thực tế cũng không có nhu cầu, đa số lãnh đạo các cơ sở này chấp nhận đưa tiền trực tiếp cho các đối tượng. Với thủ đoạn trên, chỉ trong vòng một ngày, các đối tượng đã cưỡng đoạt tại ít nhất 6 cơ sở y tế với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Giúp sức đắc lực cho Thư thực hiện hành vi phạm tội là Đào Thị Liễu, nhân viên hợp đồng nơi Thư là trưởng văn phòng đại diện. Mới xin được việc vài tháng, tưởng rằng tương lai tươi sáng đang rộng mở ở phía trước, không ngờ một cử nhân đại học đã sớm vướng vòng lao lý do kém hiểu biết pháp luật, mù quáng tin theo sự chỉ đạo của cấp trên, một người vẫn được tiếng là có hiểu biết về pháp luật và xã hội. Bị bắt quả tang, nhưng ban đầu các đối tượng vẫn còn có biểu hiện khai báo quanh co.

Chỉ khi, các điều tra viên đưa ra các chứng cứ, với những lập luận chặt chẽ, Thư và Liễu mới khai nhận. Tuy buộc phải thừa nhận sai phạm của mình, nhưng Nguyễn Văn Thư cho rằng, động cơ phạm tội không phải do vụ lợi cá nhân, mà chủ yếu do sức ép về việc khoán doanh thu tuyên truyền trên tạp chí của cơ quan. Nhưng khi được hỏi vì sao không ký hợp đồng để có căn cứ nộp tiền về cơ quan thì đối tượng này im lặng.

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến hành vi phạm tội của các đối tượng là do một số cơ sở y tế không chấp hành đúng các quy định trong việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Hơn nữa, khi bị “xin đểu”, lãnh đạo các cơ sở này không kịp thời trình báo các cơ quan chức năng, nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều hành vi “tống tiền” của Thư và Liễu đã được thực hiện trót lọt.

Khám người các đối tượng, cơ quan điều tra đã thu được nhiều hợp đồng tuyên truyền có số, chữ ký của Tổng biên tập Tạp chí Pháp lý và đóng dấu của cơ quan này nhưng không hề có những thông tin về đối tác. Những tờ hợp đồng “khống” như thế này, cùng với việc buông lỏng của cơ quan quản lý, cũng dễ hiểu khi những tấm thẻ danh giá như thẻ nhà báo, thẻ luật sư bị các đối tượng xấu lợi dụng để thu lợi bất chính./.