Liên quan tới vụ Trần Thị Thảo (SN 1974) trú tại phường Chiềng Lề, TP Sơn La, tỉnh Sơn La tống tiền Bệnh viện Xanh Pôn vì những tờ giấy chuyển tuyến giả, Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội đã mở rộng điều tra, khởi tố bổ sung vụ án làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, khởi tố bị can với 2 đối tượng là Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1975) là điều dưỡng viên Khoa Huyết học truyền máu Bệnh viện Xanh Pôn và Trần Thanh Vân (SN 1979) là điều dưỡng viên Khoa khám bệnh Bệnh viện Xanh Pôn về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Trước đó, Cơ quan ANĐT - CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Xanh Pôn, khởi tố bị can đối với Trần Thị Thảo về hành vi trên. Thảo thừa nhận do được một số nhân viên bệnh viện nhờ làm giấy chuyển tuyến giả, nên Thảo đã nảy sinh ý định photocoppy lại để “tống tiền” Bệnh viện Xanh Pôn.
Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định, Nguyễn Thị Thu Thủy được T.A.T là đồng nghiệp ở cùng khoa nhờ làm thủ tục chuyển tuyến cho mẹ đẻ cùng 14 người khác có thẻ bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Xanh Pôn muốn chuyển sang khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Thủy đồng ý và thông tin đến người đồng nghiệp phải trả chi phí để làm thủ tục chuyển tuyến từ 2-3 triệu đồng/trường hợp. T đã đưa thông tin của 15 bệnh nhân như Thẻ bảo hiểm, CMND bản phô tô kèm theo số tiền chi phí làm thủ tục chuyển tuyến là 40 triệu đồng cho Thủy.
Những giấy chuyển tuyến giả được Trần Thị Thảo scan cho Nguyễn Thị Thu Thủy.
Để làm được giấy chuyển tuyến cho các bệnh nhân này, Nguyễn Thị Thu Thủy đã cấu kết với Trần Thanh Vân là điều dưỡng viên Khoa Khám bệnh làm giả các giấy chuyển tuyến cho 15 bệnh nhân. Theo đó, Thủy đưa thông tin bệnh nhân cho Vân để đối tượng này nhập máy tính thuộc Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn và in giấy chuyển tuyến.
Vân nói với Thủy, chỉ xin được chữ ký của bác sỹ và 2 dấu vuông đóng trên giấy chuyển tuyến, còn chữ kỹ của Giám đốc Bệnh viện và dấu tròn của Bệnh viện Xanh Pôn Vân không xin được. Vì thế, Vân đã hướng dẫn Thủy tìm chỗ làm con dấu giả rồi đóng vào. Thủy đã nhờ Trần Thị Thảo và đối tượng này đã scan màu, rồi báo giá cho Thủy biết là 200.000 đồng/giấy chuyển tuyến.
Sau đó, qua trao đổi với Thủy, Vân đồng ý và gửi thêm 5 trường hợp bệnh nhân của Vân, nhờ Thủy làm giấy chuyển tuyến giả. Tổng số các trường hợp bệnh nhân Thủy nhờ làm giả dấu tròn trong giấy chuyển tuyến là 20 trường hợp, Thảo đã nhận chi phí 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, các giấy chuyển tuyến này màu dấu có độ đậm nhạt khác nhau nên không sử dụng được. Đây cũng chính là những giấy chuyển tuyến mà Thảo dùng để tống tiền Bệnh viện Xanh Pôn sau này.
Nhận các giấy chuyển tuyến mà Thủy nhờ Thảo đi scan màu dấu đỏ của Bệnh viện Xanh Pôn không dùng được, Vân đã nhờ một người quen ngoài xã hội scan mẫu giấy chuyển tuyến khác. Sau khi nhận được bản scan giống với bản thật, Vân đã đề nghị "đối tác" làm 16 tờ giấy chuyển tuyến giả và trả công giá 500.000 đồng/tờ.
Để có được dấu vuông của Khoa Khám bệnh Bệnh viện Xanh Pôn, theo hướng dẫn của Vân, Thủy đã cầm tờ giấy A4 có đóng mẫu dấu đỏ mà Vân đưa cho, đem đến cửa hàng khắc dấu đặt làm dấu vuông Khoa Khám bệnh Bệnh viện Xanh Pôn.
Tại cơ quan điều tra, Thủy khai, sau khi có giấy chuyển tuyến được scan màu dấu tròn đỏ giống như dấu thật của Bệnh viện đa Xanh Pôn, Vân cầm và hoàn thiện các chữ kỹ. Khoảng giữa tháng 1/2017, các giấy chuyển tuyến đã hoàn thiện xong, Vân đưa lại cho Thủy 15 giấy chuyển tuyến để Thủy đưa lại cho T làm thủ tục chuyển tuyến cho bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế nhiều hơn.
Cơ quan ANĐT - CATP Hà Nội đã gửi yêu cầu trưng cầu giám định đối với hình dấu tròn Bệnh viện Xanh Pôn trên 18 giấy chuyển tuyến; chữ kỹ của các bác sỹ. Kết quả xác định hình dấu tròn, chữ ký bác sỹ trên giấy chuyển tuyến là giả, được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số.
Tiến hành lấy lời khai của các trường hợp sử dụng giấy chuyển tuyến giả, Cơ quan ANĐT xác định những người này không đi khám chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện Xanh Pôn. Tuy nhiên do muốn hưởng chế độ khám chữa bệnh tốt hơn tại Bệnh viện Bạch Mai nên đã nhờ làm giấy chuyển tuyến. Họ được yêu cầu đưa thẻ bảo hiểm và số tiền 2,5 triệu đồng thì sẽ có giấy chuyển tuyến.
Hiện vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng./.