Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, người dân Ninh Thuận thường xuyên bắt gặp những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với những lời mời hấp dẫn được dán trên các cột điện, trụ đèn tín hiệu, vách tường, trong quán ăn…

Từ những lời quảng cáo “Thủ tục nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện", nhiều người dân đã sập bẫy các đối tượng cho vay với lãi suất từ 12% đến 45%/tháng. Không ít trường hợp người dân bị xã hội đen hăm dọa, đánh đập vì không trả nổi lãi và vốn vay.

Ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, trên các trụ điện, tường rào, đâu đâu cũng bắt gặp những biển quảng cáo cho vay không thế chấp. Nếu như trước đây, biển quảng cáo có kích thước nhỏ, nội dung đại khái như, ngân hàng cho vay không thế chấp, bên dưới ghi số điện thoại liên lạc, thì thời gian gần đây, các biển quảng cáo có kích thước khá to, ghi rõ doanh nghiệp cho vay tín dụng, kèm theo địa chỉ, số điện thoại và những thủ tục nhanh gọn, có tiền ngay.

Tuy nhiên, hình thức vay này thường có lãi suất rất cao, có thể đến 45%/tháng. Chị Trần Thị Ninh, là một nạn nhân của hình thức cho vay nặng lãi này. Chị đã vay nóng của một số đối tượng với số tiền vay ban đầu chỉ 5 triệu đồng, lãi suất 3%/ngày, sau 10 ngày phải trả hết cả gốc lẫn lãi.

vay_nang_lai_zjfs.jpg
Những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với những lời mời hấp dẫn được dán trên các cột điện ở Ninh Thuận (ảnh: theo clip của Infonet)

Tuy nhiên, sau 10 ngày do chị không có khả năng trả hết nợ, bằng nhiều thủ đoạn cho vay nợ mới chồng lên nợ cũ, sau 2 tháng, số tiền nợ của chị Ninh đã lên tới gần 150 triệu đồng. Không trả nổi, nên gia đình chị Trần Thị Ninh đã bị nhóm đối tượng lạ mặt đến hành hung và đe dọa sẽ giết nếu không trả hết nợ. Sau nhiều lần bị đe dọa, quá hoảng sợ, chị Ninh đã làm đơn lên Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Thuận để trình báo.

 “Nói chung lãi mẹ đẻ lãi con không bao giờ dừng lãi được, nhưng tôi gỡ lúc nào thì họ cho lún lúc đấy. Họ không cho cơ hội, khi tôi trả lần 1 họ tiếp tục đòi lần 2, tôi chấp nhận trả tiền lần 2 thì họ đòi lần 3. Nếu tôi chấp nhận trả hết 150 triệu thì không liên quan đến họ 1 ngày nào nữa, khi tôi chấp nhận trả 150 triệu, không những 150 triệu thì họ đòi 155 triệu thì họ mới chấp nhận, rồi bắt buộc tôi ký trên giấy nợ 30 triệu”, chị Ninh nói.

Theo Công an tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp. Tính từ đầu tháng 5/2017 đến nay, có khoảng hơn 40 đối tượng, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào hoạt động cho vay nặng lãi. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận trong nhân dân, các đối tượng in các mẫu quảng cáo dán tại các trụ điện, các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, dán trên tường nhà để quảng cáo việc cho vay.

Các đối tượng cho vay chỉ yêu cầu có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hóa đơn tiền điện, tiền nước của người vay tiền để thực hiện giao dịch cho vay, với lãi suất từ 12%- 45%/tháng. Đến khi nạn nhân mắc bẫy, không có khả năng chi trả các đối tượng gọi điện thoại đe dọa, đánh đập, khủng bố tinh thần, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân.

 Điển hình, mới đây vào ngày 3/10, nhận được tin tố giác tội phạm, sau một thời gian theo dõi, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Ninh Thuận đã kiểm tra hành chính và mời một nhóm do đối tượng Dương Quang Hợp, sinh năm 1986, thường trú tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đang tạm trú tại số nhà 97/3, đường Ngô Gia Tự, phường Thanh Sơn, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận có hành vi cho vay nặng lãi, với mức lãi suất từ 12,6% đến 45%/tháng.

Nếu khách hàng trì hoãn việc trả nợ, Hợp chỉ đạo các đối tượng khác đến tận nhà đe dọa, đánh đập, siết nợ. Hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thiếu tá Trần Quốc Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Thuận khuyến cáo: “Bà con không nên vay của các đối tượng này, bởi vì lãi suất rất cao. Nếu mà lỡ vay rồi, có vụ việc gì xảy ra thì nên báo ngay cho cơ quan công an, phát hiện các đối tượng cho vay có các hành vi vi phạm pháp luật thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý”.

Trước tình trạng "bát nháo" cho vay với tờ rơi quảng cáo, thông tin qua mạng như hiện nay, người dân cần cẩn trọng trước những hệ lụy đi kèm, không nên vay vốn của các tổ chức mập mờ vì không chỉ lãi suất cao mà còn nhiều rủi ro khác rất khó lường. Khi cần nguồn tài chính nên liên hệ với ngân hàng để hướng dẫn các thủ tục cho vay. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân mượn danh cho vay trả góp để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi, gây nhiều rủi ro cho người dân./.