Sau 6 ngày làm việc, chiều 17/1, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã kết thúc phiên sơ thẩm xét xử vụ án về các sai phạm của 8 bị cáo có liên quan trong quá trình xây dựng công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Công trình này nằm trong dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ” được Nhà nước đầu tư nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/954-7/5/2004).
Căn cứ hồ sơ vụ án, căn cứ kết quả điều tra xét hỏi công khai tại phiên tòa và diễn biến phiên tòa cùng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo. Cụ thể, bị cáo Lương Phượng Các, nguyên Phó giám đốc sở Văn hoá thông tin, Trưởng Ban quản lý dự án Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ mức án 44 tháng tù vì tội tham ô tài sản, thời hạn tính từ 12/6/2007.
Bị cáo Lê Văn Viễn, nguyên phó Ban quản lý dự án Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ mức án 44 tháng tù vì tội tham ô tài sản, thời hạn tính từ 12/6/2007.
Bị cáo Trần Quốc Hưng, nguyên Kế toán của Ban quản lý dự án Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ mức án 43 tháng 5 ngày tù vì tội tham ô tài sản, thời hạn từ 12/6/2007. Bị cáo được trả tự do ngay tại phiên tòa nếu không bị tạm giam, tạm giữ về tội khác.
Bị cáo Nguyễn Đức Sứng, nguyên Chủ nhiệm khoa Tạo dáng-Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội mức án 24 tháng tù cho hưởng án treo, vì tội tham ô tài sản. Bị cáo còn phải chịu 48 tháng thử thách tính từ ngày tuyên án 17/1/2011.
Bị cáo Võ Thị Hồng, nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương mức án 25 tháng 24 ngày tù vì tội lợi dụng chức vụ-quyền hạn khi thi hành công vụ, thời hạn tính từ ngày 12/6/2007 (bị cáo bị bắt giam từ 12/6/2007 đã được thay thế biện pháp tạm giam bằng cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 6/8/2009 để chữa bệnh).
Bị cáo Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết 25 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Bị cáo được khấu trừ 24 tháng 21 ngày đã bị tạm giam, còn lại phải thi hành hình phạt là 9 ngày, thời gian thử thách là 18 ngày, thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án (bị cáo bắt tạm giam từ 12/6/2007, đã được thay thế biện pháp tạm giam bằng cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 3/7/2009.
Ngay sau khi tại ngoại, ông Nguyễn Trọng Hạnh đã xin phép chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để lên Điện Biên, bỏ nhiều công sức và kinh phí cá nhân để khắc phục các khiếm khuyết, hoàn thành Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đạt chất lượng phần Mỹ thuật xếp loại A theo kết quả bỏ phiếu của Hội đồng nghệ thuật).
Bị cáo Lê Huyên, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội bị phạt cảnh cáo vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.Bị cáo Nguyễn Văn Chính được tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự trong tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.Hội đồng xét xử cũng tuyên bố trả lại cho bị cáo Võ Thị Hồng các tài sản đã bị thu giữ gồm 2.000 USD và 4 miếng kim loại màu vàng SJC trọng lượng 37,5gram, chất lượng 999,9%; trả lại cho bị cáo Lương Phượng Các số tiền 500 triệu đồng bị cáo nộp cho cơ quan điều tra; đề nghị trả lại bị cáo Trần Quốc Hưng số tiền 12 triệu đồng bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra vì số tiền này nằm trong khoản tiền 80,449 triệu đồng tang vật đã thu giữ.
Hội đồng xét xử tuyên bố tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền hơn 242 triệu đồng gồm 162 triệu đồng do bị cáo Nguyễn Đức Sứng nộp cho cơ quan điều tra và 80,449 triệu đồng thu giữ trong tài khoản có liên quan đến vụ án.
So với Quyết định truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên các bị cáo Lương Phượng Các không phạm tội nhận hối lộ; bị cáo Võ Thị Hồng không phạm tội đưa hối lộ vì chưa đủ yếu tố xác định tội phạm.
Các bị cáo Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn không phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cũng đã rút truy tố đối với Trần Quốc Hưng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.Phần lớn những người tham dự phiên tòa đều cho rằng, ông Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa Phạm Văn Nam đã điều hành phiên tòa hết sức công tâm và đúng pháp luật.Điều đáng chú ý nhất trong suốt quá trình xét xử là việc ông Đào Ngọc Lượng, Trưởng ban Quản lý dự án Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ đại diện cho nguyên đơn dân sự đã nhiều lần tuyên bố trước tòa là cho đến thời điểm này, công trình chưa làm thủ tục thanh quyết toán nên chưa khẳng định được là công trình có thiệt hại không và thiệt hại bao nhiêu.
Ông Đào Ngọc Lượng cũng không đồng nhất với kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và Bản kết luận giám định tài chính về số lượng đồng bị thiếu hụt là 97,778 tấn, toàn bộ thiệt hại về phần Mỹ thuật là trên 5,588 tỷ đồng.
Đại diện nguyên đơn dân sự là Ban Quản lý dự án Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ và bị đơn dân sự là Công ty Mỹ thuật Trung ương cũng đưa ra đề nghị các cơ quan chức năng thống nhất phương pháp tính toán khối lượng, chất lượng và tài chính của công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ để các bên có cơ sở cho việc thanh quyết toán công trình hoàn thành sau này./.