Theo đó, tại phần xét hỏi, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX bổ sung thêm một số chứng cứ, đó là lời khai của bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, là con gái bà Hồ Thị Hiệp, hiện đang định cư ở Mỹ). Đây là một trong hai người đứng tên thành lập 2 công ty để sản xuất kinh doanh và liên quan đến 20ha đất cầm cố tại Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn. Đồng thời, luật sư đề nghị dịch ủy thác tư pháp lời khai của bà Hảo nhằm bổ sung vào hồ sơ vụ án. Song song đó, là đề nghị triệu tập 2 công ty thẩm định giá tài sản.

Sau khi hội ý, HĐXX thấy rằng, đề nghị của luật sư là có cơ sở nên chấp nhận hoãn phiên tòa xét xử.

xet_xu1_kxhh.jpg
Hội đồng xét xử tuyên hoãn phiên tòa.

Trước đó như VOV đã đưa tin, sáng 4/11, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đưa vụ án xét xử vụ án Nguyễn Hồng Khanh – cựu Bí thư Thị xã Bến Cát ra xét xử tội vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát, lãng phí và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, các bị cáo liên quan còn có Nguyễn Huy Hùng (cựu Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn); Nguyễn Quang Lộc (cựu phó trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp). Các bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có các bị cáo Lê Hoài Linh (47 tuổi, cựu Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát); Nguyễn Thành Luân (39 tuổi, cán bộ dưới quyền Linh), Nguyễn Minh Tâm (42 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND xã An Tây, thị xã Bến Cát) và Đặng Văn Thọ (50 tuổi, cựu cán bộ địa chính UBND xã An Tây).   

Theo cáo trạng, bà Hồ Thị Hiệp (SN 1945, đã mất năm 2015) cùng con gái là Nguyễn Hiệp Hảo thành lập 2 công ty để sản xuất kinh doanh. Từ năm 2005-2008, 2 công ty thế chấp tài sản hơn 20ha tại xã An Tây, thị xã Bến Cát để vay của Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn số tiền 72 tỉ đồng. Làm ăn thua lỗ, công ty của bà Hiệp không có khả năng trả nợ nên ngân hàng buộc phải tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Từ năm 2012 - 2015, Nguyễn Huy Hùng đã chỉ đạo cho cấp dưới là Nguyễn Quang Lộc trực tiếp thực hiện xử lý tài sản thế chấp trên. Tuy nhiên, Hùng, Lộc đã cấu kết với bà Hiệp và ông Khanh thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp trái quy định pháp luật, để ông Khanh mua gần 20ha đất và máy móc thiết bị trị giá 45,7 tỉ đồng nhưng ngân hàng chỉ thu hồi nợ được số tiền 10,3 tỉ đồng tiền gây thất thoát cho nhà nước số tiền 35,4 tỉ đồng.

Liên đới đến vụ án còn có các cán bộ Phòng tài Nguyên và Môi trường thị xã Bến Cát, nhưng vì chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đề nghị UBND tỉnh Bình Dương xử lý kỷ luật.

Dự kiến phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 18 - 20/11 tới./.