Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn Hà Nội đã có chiều hướng gia tăng, len lỏi vào từng ngõ ngách phố phường và vùng nông thôn, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy gây nhức nhối.
Các đối tượng trong đường dây Triệu Đình Hoan. |
“Tín dụng đen” len lỏi từ nông thôn đến thành thị
Năm 2019 các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội đã đánh sập nhiều ổ nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó nhiều ổ nhóm “tín dụng đen” với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.
Điển hình như đường dây tín dụng đen do đối tượng Triệu Đình Hoan cầm đầu. Đây cũng là đường đây cho vay nặng lãi "lớn nhất từ trước đến nay" ở Thủ đô. Theo đó, với hình thức núp bóng doanh nghiệp tư nhân, đăng ký kinh doanh trên các lĩnh vực xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính,... nhưng thực tế Hoan cho các doanh nghiệp, hoặc cá nhân vay với mục đích đáo nợ ngân hàng. Tỷ lệ lãi suất Hoan cho vay dao động từ 2.000 đến 5.000 đồng/triệu/ngày (khoảng 180% một năm). Thời điểm bị bắt, cơ quan công an thu giữ được tại đường dây của Hoan 11 tỷ đồng; 3 chiếc Mercerdes các loại và tạm giữ 11 người liên quan.
Ngày 11/9, Phòng CSHS đã triệt xóa ổ nhóm “tín dụng đen” do Lê Xuân Minh (SN 1980, trú tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) cầm đầu. Nhóm của Lê Xuân Minh cho vay với lãi suất 10.000 đồng/triệu/ngày và dùng thủ đoạn hành hung, dọa giết cả nhà để ép người vay trả tiền. Thời điểm bắt giữ, cơ quan CSĐT thu giữ 110 giấy tờ vay tiền, 5 quyển sổ ghi nợ với danh sách hơn 200 người đã vay của nhóm Minh với tổng số tiền gần 16 tỷ đồng. Tại cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi cao từ 5.000-10.000 đồng/ 1 triệu/ngày, tương đương 180-365%/năm....
Các đối tượng trong tổ chức cho vay nặng lãi do Minh cầm đầu. (Ảnh: Tiền phong) |
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Hình sự Công an thành phố Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng tín dụng đen bùng phát do lối sống buông thả của một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên không có việc làm ổn định, tham gia cờ bạc, nghiện ma túy… dẫn đến tình trạng “vay nóng trả nợ với lãi suất cao. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nền kinh tế trong thời gian dài đã đẩy nhu cầu vay vốn kinh doanh của người dân lên cao. Sự nở rộ của các hoạt động “tín dụng đen” giúp cho một bộ phận người dân tiếp cận được nguồn vốn phục vụ nhu cầu, tuy nhiên mặt trái của các hoạt động này kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn TP.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả, tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Giải pháp nào xử lý tội phạm “tín dụng đen”
Dự báo tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” sẽ có chiều hướng diễn biến phức tạp, cách đây 3 năm, Giám đốc CATP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 231 chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, đề ra biện pháp, giải pháp cụ thể để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính.
Sau ba năm triển khai kế hoạch số 231, đến cuối năm 2019 các đơn vị nghiệp vụ CATP Hà Nội đã phát hiện hơn 1.000 vụ việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó có 244 vụ phạm pháp hình sự với 589 đối tượng có liên quan. Trong số này đã xử lý hình sự 166 vụ với 474 bị can, chiếm 68% tổng số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đặc biệt trong số này chủ yếu là các tội cố ý gây thương tích và cướp tài sản. Cụ thể, phải kể đến các ổ nhóm đối tượng hoạt động công khai, gây nhức nhối trong xã hội như ổ nhóm Hải “bay”, Phùng Văn Lợi, Hải “bát giới”, Quang “rambo”, Tiến “trắng”...
Thượng tá Nguyễn Văn Bình nhận định, trước thời điểm triển khai Kế hoạch 231, số lượng cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố là rất lớn, không thiếu các cơ sở đứng sau là những đối tượng hình sự. Trong khi đó, nhiều trường hợp người bị hại không dám trình báo vì bị các đối tượng đe dọa, khống chế, dẫn đến khó khăn trong phát hiện, điều tra, bắt giữ đối tượng. Nhiều đối tượng “lách luật” để hoạt động “tín dụng đen” như cầm đồ - là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhưng lại treo biển kinh doanh - tư vấn tài chính, là những ngành chưa được quản lý như ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình nhìn nhận, trong thời gian tới, với những ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” lớn, phức tạp, các đơn vị sẽ xác lập chuyên án truy xét và tập trung lực lượng, phương tiện nhanh chóng điều tra làm rõ. Đặc biệt, khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cần phân loại tố giác đối với các vụ án hình sự, đảm bảo thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các cơ quan khối nội chính và các Cục nghiệp vụ, Công an các tỉnh để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm “tín dụng đen” đạt hiệu quả hơn./.Thiết lập hòm thư tố giác liên quan đến “Tín dụng đen”