Sáng 7/5, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao (PC50) – Công an Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 4/2015 đến nay, công an đã liên tiếp nhận được 13 đơn trình báo của bị hại liên quan đến việc lừa đảo qua điện thoại. Tổng số thiệt hại lên đến 3 tỷ đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng là giả nhân viên của tổng đài VNPT gọi điện đến số cố định của người dân thông báo số điện thoại đứng tên họ nhưng ở một tỉnh khác đang nợ cước điện thoại.

mao_danh_cong_an_jsaz.jpgẢnh minh họa: Internet
Đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân gồm: tên tuổi, địa chỉ và chứng minh nhân dân để đối chiếu.

Sau đó đối tượng sẽ chuyển máy cho họ nói chuyện với kẻ giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… để giải quyết.

Các đối tượng sẽ cung cấp tài khoản ngân hàng đứng tên của họ có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tham nhũng mà cơ quan công an đang điều tra với số tiền rất lớn đồng thời chúng yêu cầu người dân phải rút toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của họ rồi gửi vào tài khoản của các đối tượng cho sẵn nhằm phục vụ công tác điều tra. Nếu xác minh không liên quan, chúng nói sẽ trả lại trong vòng 1-2 ngày.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, người dân mới biết mình bị lừa.

Điển hình như ngày 15/4, bà T (52 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) nhận được cuộc gọi đến máy bàn thông báo số điện thoại do bà đăng ký ở tỉnh Tây Ninh đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước phí thuê bao.

Sau đó một đối tượng khác bảo sẽ chuyển cho Công an Tây Ninh làm việc với bà T.

Trình bày thắc mắc với đối tượng giả danh công an Tây Ninh thì bà T nhận được trả lời rằng, thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp thông tin các nhân để dùng vào mục đích phạm pháp.

Tên này yêu cầu bà T phối hợp với cơ quan công an để điều tra. Đối tượng thông báo vừa nhận được quyết định của viện kiểm sát trong đó bà T được xác định liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền.

Hắn tiếp tục nói rằng, có một tài khoản ngân hàng có giá trị 1,3 tỷ đồng mang tên bà T. Khi bà T thắc mắc thì hắn yêu cầu người phụ nữ 52 tuổi này cung cấp tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, số tiền bao nhiêu…

Tiếp đó, tên công an giả thông báo rằng, tài khoản của bà T đã bị đánh cắp thông tin. Để bảo toàn số tiền của, bà T phải ra ngân hàng rút tiền và chuyển vào tài khoản của chúng cung cấp.

Làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, người phụ nữ này đã bị chiếm đoạt 400 triệu đồng.

Cũng với thủ đoạn trên, các đối tượng đã chiếm đoạt của bà L (62 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) số tiền 240 triệu đồng.

Công an cho biết, cơ quan điều tra không triệu tập, gọi hỏi qua điện thoại. Khi cơ quan công an mời làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập./.