Từ năm 2016-2020, thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, toàn ngành BHXH Việt Nam đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 2.103 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm pháp luật trong đóng bảo hiểm. Số tiền xử phạt là 114,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vi phạm hành chính bị xử phạt vẫn còn thấp so với các đơn vị chậm đóng, nợ tiền đóng bảo hiểm. Số đơn vị chấp hành quyết định xử phạt trong giai đoạn 2016-2020 cũng còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trốn tránh, cố tình chây ỳ không thực hiện quyết định xử phạt.
Theo ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), hiện chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ sức răn đe. Do đó, nhiều đơn vị sử dụng lao động sau khi bị xử phạt lại tiếp tục có các hành vi vi phạm pháp luật như chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, tái phạm nhiều lần. BHXH Việt Nam cũng đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ những doanh nghiệp, đơn vị lợi dụng chính sách để trốn đóng, nợ đóng BHXH.
“Khả năng doanh nghiệp lợi dụng các chính sách của Nhà nước để nợ hoặc trốn đóng thì lúc nào cũng có. Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi phải phân công cán bộ chuyên quản nắm từng doanh nghiệp xem lĩnh vực hoạt động, quy mô, quá trình hoạt động kinh doanh như thế nào, tình hình tài chính của doanh nghiệp, có thể đưa vào diện đánh giá xem có phải là đơn vị lợi dụng chính sách để trốn đóng, nợ đóng BHXH” - ông Đinh Duy Hùng cho biết.
Theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực ngày 1/1/2016), tổ chức công đoàn được trao quyền khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Tuy nhiên, việc khởi kiện của tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn, không phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Đối với ngành bảo hiểm, thời gian qua, đơn vị đã cung cấp hồ sơ kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, đến nay hầu hết chưa thực hiện xử lý hình sự với những lý do vướng mắc trong các văn bản quy định.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết việc chây ỳ, cố tình trốn đóng thì không chỉ riêng trong thời gian dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua đã có hiện tượng lợi dụng chính sách và để trốn đóng nợ đọng. Vì vậy, Luật hình sự năm 2015 mới đưa vào tội danh trốn đóng nợ đọng tại Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật hình sự.
"Thực tế, chúng tôi thực hiện đồng bộ các giải pháp. Giải pháp đầu tiên rất quan trọng là nâng cao nhận thức của người lao động và doanh nghiệp trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người lao động, thứ hai là cũng đẩy mạnh rất mạnh công tác về thanh tra, kiểm tra” - ông Ánh nhấn mạnh.
BHXH Việt Nam cho biết, đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thanh tra theo hướng Luật hóa việc thành lập cơ quan thanh tra của ngành BHXH Việt Nam. Đồng thời, điều chỉnh quy định về cơ cấu tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra BHXH để phù hợp với chức năng, vị trí pháp lý của BHXH Việt Nam./.