Theo văn bản số 8891, ngày 16/9 của UBND tỉnh Đắk Lắk gửi UBND tỉnh Gia Lai, thời gian qua, tình trạng vi phạm Luật lâm nghiệp tại khu vực giáp ranh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) diễn biến phức tạp. Khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phát sinh điểm nóng mới về khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật

UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh như công an, kiểm lâm và UBND huyện Krông Pa tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng, các đơn vị chủ rừng tỉnh Đắk Lắk để tổ chức và duy trì thường xuyên lực lượng tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

Theo báo cáo của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tại khu vực giáp ranh giữa khu bảo tồn với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), lâm tặc hình thành những nhóm từ 5-10 người, thậm chí 20-30 người xâm nhập vào để khai thác gỗ quý như trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te… Gỗ được vận chuyển bằng xe độ chế, tập kết rồi được đầu nậu mua theo mét khối đối với gỗ hộp hoặc theo kg với gỗ tròn.

Riêng tại khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai, từ năm 2015-2020, Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã phát hiện và xử lý gần 300 vụ, 335 đối tượng, thu giữ và tiêu hủy gần 500 chiếc xe máy độ chế và khoảng 46m3 gỗ các loại. Tình trạng xâm hại rừng trở nên nóng hơn trong những tháng gần đây, lâm tặc lợi dụng dịch Covid-19 phức tạp đã ồ ạt kéo vào khu bảo tồn.

Không chỉ ở các địa bàn giáp tỉnh, tình trạng phá rừng ở nhiều huyện của Đăk Lăk cũng trong tình trạng báo động, đặc biệt là tại các công ty lâm nghiệp như Krông Bông, Buôn Ja Wầm, Ea H’leo, Ea Kar và Công ty chế biến  thực phẩm- lâm nghiệp Đắk Lắk.

Trước tình trạng này, cũng trong ngày 16/9, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra văn bản số 8876, chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các huyện và các chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ./.