Ngày 9/1, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo kêu oan của Huỳnh Văn Quyên (sinh năm 1962, Vĩnh Long) và vợ là Lê Thị Tám (sinh năm 1967, Vĩnh Long), đồng thời tuyên y án chung thân đối với Quyên về tội “giết người” và 4 năm 4 tháng 7 ngày tù đối với Tám về tội che giấu tội phạm.

Riêng Lê Thị Tám, do ngày bị bắt là 14/3/2007, đến nay đã chấp hành xong hình phạt nên đã được tự do. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Long, vào khoảng 2h sáng 7/2/2007, Huỳnh Văn Quyên đến giường ngủ của mẹ ruột là bà Dương Thị Tám, gọi bà thức dậy đi Cà Mau. Lúc tỉnh dậy, bà Tám la rầy hai vợ chồng Quyên về việc ép chuối phơi khô và tổ chức đám giỗ không theo ý bà. Do giận các con nên bà Tám nhất quyết không chịu đi Cà Mau nữa.Trước phản ứng đó, Quyên dùng tay trái bóp vào cổ áo mẹ, tay phải ôm sau lưng kéo lại. Bà Tám vùng vẫy nên Quyên bóp mạnh tay hơn. Khi không còn thấy bà Tám cử động, cho rằng bà Tám đã chết, Quyên gọi vợ đến, hai người mang xác mẹ đi giấu để phi tang. Trong lúc mang xác mẹ xuống bến sông trước nhà thì vợ chồng Quyên đã bị láng giềng nhìn thấy. Đến ngày 9/2/2007, xác bà Tám được phát hiện. Sau đó, theo lời nhân chứng, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giam điều tra 2 vợ chồng Quyên. Tại tòa, cả 4 đại diện hợp pháp cho phía bị hại là con của bà Tám đồng thời là anh em của Huỳnh Văn Quyên có đơn kháng cáo kêu oan cho vợ chồng Quyên. Họ cho rằng, vợ chồng Quyên vô tội và khai thêm tình tiết mẹ mình từng một số lần có ý định tự tử.

Cả hai vợ chồng Quyên cũng kêu oan và cho rằng các nhân chứng đã vu khống mình khi cung cấp những lời khai không chính xác cho cơ quan điều tra.Bào chữa cho cả hai vợ chồng Quyên, luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đã có nhiều vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra phá án. Cụ thể, có ít nhất 5 kịch bản lời khai của cả bị cáo Quyên và bị cáo Lê Thị Tám đều không thống nhất với nhau nhưng vẫn được các cơ quan chức năng dựa vào đó để đưa ra kết luận các buộc.Trong khi đó, các vật chứng thu giữ lúc ghi có 5 viên trong bao tải, nhưng các nhân chứng lại khai có 7-9 viên. Vị luật sư cũng cho rằng, cơ quan pháp y đã không nhận định đúng cái chết lâm sàng của bà Dương Thị Tám. Từ đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử tuyên 2 bị cáo vô tội. Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm đạo đức xã hội, cũng như về tính chất pháp lý khi mà vụ án đã trải qua nhiều cấp xét xử, thay đổi tội danh và nhiều lần trả hồ sơ, điều tra bổ sung./.