Vẫn chiêu lừa cũ
Chị Nguyễn Thị Mai Sa ở 151 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) vừa mở cửa hàng bán phở thì hai thanh niên bước vào, tự xưng là nhân viên của một công ty chuyên bán các mặt hàng về sơn. Sau dăm ba câu chuyện đưa đẩy, hai thanh niên này ngỏ ý muốn thuê mặt tiền ở tầng 2 nhà chị để treo biển quảng cáo sơn chống thấm, thuốc diệt muỗi, thuốc thông cống. Giá thuê được hai thanh niên này đưa ra là 5 triệu đồng/tháng và họ nói sẽ ứng luôn cho chị 6 tháng. Ngoài ra, hai thanh niên này còn xin chị Sa cho dán một tờ báo giá lên trước cửa nhà chị và không quên nói với chị Sa, “nếu chị bán được sản phẩm nào thì được hưởng chênh lệch 10.000 đồng/sản phẩm và 10% hoa hồng của sản phẩm”.
Ngày hôm sau, có một phụ nữ đến ăn phở tại quán của chị Sa, nhìn thấy tờ quảng cáo sản phẩm, chị này đề nghị mua 20 gói thuốc diệt muỗi trong tờ quảng cáo với giá 60.000 đồng/gói, nếu có hàng ngay thì tốt, còn không thì trưa chị ta sẽ quay lại lấy. Chị này xưng là Thủy, làm ở Bệnh viện Việt Đức. Người phụ nữ tên Thủy còn nói thêm, sẽ về hỏi ý kiến sếp, nếu sếp đồng ý thì chị ta sẽ lấy 3.000 gói. Để “chắc ăn”, chị ta đặt trước cho chị Sa 100.000 đồng và để lại số điện thoại di động, dặn chị Sa khi nào có hàng thì liên lạc ngay.
Chị Sa đã gọi điện cho hai thanh niên hôm trước theo số 0904556054 yêu cầu lấy hàng thì được một người tự xưng tên Thắng trả lời: “Nếu chị muốn lấy thì phải trả tiền trước vì gia đình chị chưa đặt biển. Hiện nay hàng rất hiếm nhưng đây là mối hàng đầu tiên của chị nên em nhường hàng cho chị trước”. Sau khi đã nhận hàng và trả tiền, chị Sa lại nhận được cuộc điện thoại của vị khách tên Thủy với nội dung: “Sếp chị đã đồng ý mua hàng rồi, trước mắt em chuyển cho chị 500 gói, 12 giờ trưa chị sẽ quay lại thanh toán luôn 3.000 gói cho em”. Nhẩm tính số lãi cũng kha khá nên chị Sa vội gọi điện thoại di động cho hai thanh niên trên đề nghị mang thêm cho chị 500 gói. Khi nhân viên mang hàng đến, gia đình chị Sa không đủ tiền nên phải sang hàng xóm vay thêm tiền để đủ mua 500 gói với giá 25 triệu đồng.
Đừng để mắc bẫy
Sau khi trả cho những nhân viên này 25 triệu đồng, chị Sa ngồi chờ cả buổi chiều cũng không thấy khách đặt hàng đến lấy. Gọi điện thoại di động cho người phụ nữ tên Thủy thì lúc đầu chị này hẹn 1 giờ sẽ đến lấy hàng, đến 1 giờ chiều vẫn không thấy khách đến lấy, sốt ruột, chị Sa gọi điện lại lần nữa thì chị này hẹn 2 giờ sẽ đến, đến 2 giờ chị gọi lại thì thấy tắt máy. Chị gọi điện cho bên bán hàng thì thấy chuông vẫn đổ nhưng không ai nghe máy. Truy tìm qua số điện thoại di động này thì chị Sa phát hiện tên của chủ số thuê bao điện thoại trên là Nguyễn Thành chứ không phải là Thắng như nhân vật này tự nhận. Tá hỏa, chị gọi điện cho người thân làm công an hộ khẩu ở phường Cửa Đông thì anh này cho biết cùng ngày hôm đó ở Cửa Đông có người bị lừa mất 50 triệu đồng cũng theo cách của chị. Chị Sa cho biết thêm, mấy người hàng xóm của chị cũng bị lừa với số tiền từ 4 - 10 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên VOV, đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, hiện tượng lừa đảo như trên đã xuất hiện tương đối lâu tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành khác trong cả nước. Bên cạnh sản phẩm thuốc diệt côn trùng, những kẻ lừa đảo còn đưa thêm rất nhiều loại sản phẩm khác nhằm lừa đảo người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác với những chiêu tiếp thị tại nhà hoặc những lời chào mời làm đại lý kiểu “giời ơi” với những khoản lợi nhuận bỗng dưng mà có!./.