Bị cáo Tường là bác sĩ thẩm mỹ “chui”
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường – nguyên giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đồng phạm ngày 14/4/2014 buộc phải tạm dừng do TAND TP Hà Nội trong quá trình thẩm vấn các bị cáo và nhân chứng thấy rằng còn nhiều chứng cứ quan trọng không thể bổ sung tại phiên tòa nên quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung.
Hơn 1 tháng sau, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đưa ra bản kết luận bổ sung số 02/KLĐTBS/PC45-Đ9 ngày 19/5/2014.
Theo đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội quyết định giữ nguyên truy tố bị cáo Nguyễn Mạnh Tường về tội danh: “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt”. Bị cáo Đào Quang Khánh bị truy tố hai tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Trộm cắp tài sản”.
Trong bản kết luận điều tra cũng nêu kết luận của Sở Y tế Hà Nội về phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ của Nguyễn Mạnh Tường và cho rằng quy trình và phương pháp của bị cáo Tường về cơ bản là phù hợp với quy định của ngành y.
Ngày 13/6, luật sư Vũ Gia Trưởng – người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại cho rằng, truy tố của cơ quan cảnh sát điều tra đối với hành vi gây ra cái chết của chị Lê Thị Thanh Huyền theo điều 242, Bộ luật hình sự (BLHS) – “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là không chính xác.
Căn cứ vào khoản 6, điều 2, luật về khám chữa bệnh ngày 23/11/2009 và thông tư số 41/2011/TT-BYT của ngành y tế, luật sư Trưởng cho rằng, dù Tường là giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường nhưng Tường chưa được cấp chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ (Bị cáo Tường chỉ là bác sĩ chuyên khoa ngoại – phẫu thuật tạo hình).
Bên cạnh đó Tường không phải là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Ngoài ra, Thẩm mỹ viện Cát Tường được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa ngoại – phẫu thuật tạo hình chứ không phải phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo luật sư Trưởng, Thẩm mỹ viện Cát Tường là “cơ sở chui”, Nguyễn Mạnh Tường là “bác sĩ chui” trong việc phẫu thuật thẩm mỹ, nên Tường không thể là chủ thể của tội danh quy định tại điều 242, BLHS.
Làm trái chuyên môn vì lợi nhuận và thương hiệu
Theo hàng loạt lời khai của Tường tại cơ quan điều tra, bản thân Tường nhận thức việc tiến hành phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền là trái quy định – Tường là bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình. Tuy nhiên Tường vẫn một mình thực hiện cả 3 khâu: Tự gây tê, gây mê, tự thực hiện phẫu thuật hút mõ bụng, nâng ngực, từ hồi sức cấp cứu (Cả 3 lĩnh vực này Tường đều không có chứng chỉ).
Luật sư Trưởng cho rằng, vì không có chuyên môn nên hành vi phẫu thuật thẩm mỹ nên trong quá trình thực hiện các thủ thuật phẫu thuật đã dẫn đến cái chết cho chị Huyền.
Trong suốt quá trình phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền, dù nạn nhân đã trong tình trạng biến chứng, co giật, Tường không dừng lại cấp cứu nạn nhân mà vẫn tiếp tục thực hiện đồng thời rút ngắn thời gian phẫu thuật từ khoảng 4 giờ đồng hồ xuống còn 2 giờ đồng hồ. Khi nạn nhân ở trong trạng thái nguy hiểm, Tường đã có thái độ bỏ mặc và đi lễ chùa ở Quán Sứ.
Nói về động cơ, mục đích trong việc tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, cũng từ lời khai của Tường tại cơ quan điều tra, dù Thẩm mỹ viện Cát Tường không có giấy phép kinh doanh về phẫu thuật thẩm mỹ, Tường không phải là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ nhưng bị cáo vẫn cho trung tâm hoạt động vì “Tôi vẫn để Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động bởi vì làm như vậy để cho nhiều người biết đến tên tuổi của thẩm mỹ viện, tạo thương hiệu cho thẩm mỹ viện”.
Tường còn khai rằng: “Tôi biết chưa có giấy phép của Sở y tế mà vẫn hoạt động là sai, trái pháp luật nhưng tôi vẫn cho trung tâm hoạt động và thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ vì lý do tôi phải trả lương cho nhân viên, đồng thời trả các chi phí khác cho trung tâm”./.