Khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII

Sáng ngày 21/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội và cũng là nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng để nhìn lại chặng đường gần ba năm qua, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác của ngành tư pháp, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, tệ nạn xã hội và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm trong năm 2014 và chặng đường còn lại của Kế hoạch 5 năm để bảo đảm thúc đẩy phát triển đất nước.

chu-tich-qh-khai-mac.jpg
Toàn cảnh khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII (ảnh: TTXVN)

Trong tuần làm việc đầu tiên, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được thảo luận, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính bền vững lâu dài. Đó là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, là tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, tái cơ cấu nền kinh tế, phòng chống tham nhũng…

Tổng Bí thư: Lời nói đầu Hiến pháp sửa đổi chưa có sức vang

Trong phiên thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 6 về dự thảo sửa đổi Hiến phápsáng 23/10, các đại biểu đều cho rằng, bản dự thảo lần này đã có tiếp thu, chỉnh sửa khá toàn diện.

Góp ý vào dự thảo Hiến pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng(Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nói: “Lời nói đầu tuy ngắn gọn nhưng phải như một tuyên ngôn, viết có sự tổng kết, cô đọng, khái quát, nhưng đặc biệt phải chuẩn xác. Và nếu viết hay, có tính chất như lời kêu gọi hiệu triệu thì rất tốt. Hiện nay so với yêu cầu ấy, tôi thấy chưa đạt được. So với trước, lời nói đầu có bước tiến là ngắn gọn hơn nhưng đọc vào tôi thấy có mấy điểm chưa ổn... nghe gò bó, không chuẩn xác”.

Tổng Bí thư nhận xét: “Tôi thấy sửa so với trước thì được ưu điểm là ngắn gọn hơn, súc tích hơn, nhưng chuẩn xác thì chưa, hay thì lại càng chưa, chưa có sức vang vọng như lời kêu gọi hay hiệu triệu...”

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10

Ngày 26/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Chính phủ dành phần lớn thời gian phân tích tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng qua; đồng thời, thảo luận và thống nhất các biện pháp tập trung chỉ đạo, điều hành nhất quán trong 2 tháng còn lại của năm nay, với mục tiêu phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 (ảnh: Chinhphu.vn)

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: nhiệm vụ đặt ra trong 2 tháng cuối năm là hết sức nặng nề và mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,4% trong cả năm có ý nghĩa hết sức quan trọng để đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng lưu ý: không được chủ quan, lơ là đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm có thể xảy ra những yếu tố gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Cùng với đó cần tăng cường các giải pháp chống thất thu và tiết kiệm chi ngân sách, phấn đấu đạt kế hoạch thu chi và bảo đảm cân đối ngân sách.

Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015 do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII ngày 22/10 nêu rõ: Trong gần 3 năm, qua thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tham nhũng; xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm.

Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân chậm được khắc phục; lãng phí thời gian, nguồn lực còn lớn; ý thức tiết kiệm chưa được đề cao…

CPI tháng 10: Giá lương thực thực phẩm tăng mạnh nhất

Số liệu thống kê vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 10/2013 tăng thêm 0,49% so với tháng 9/2013. Như vậy, tính từ đầu năm đến tháng 10, CPI cả nước tăng 6,74%.

Trong đó, có 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có mức tăng, nhưng không có nhóm nào vượt quá 1%; trong khi đó có 2 nhóm giảm là giao thông và bưu chính viễn thông.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với 0,86%. Trong đó thực phẩm tăng 1,04% và lương thực tăng 0,91% so với tháng 9/2013. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,1%.

Vụ bác sĩ vứt xác phi tang gây chấn động dư luận

Ngày 22/10, cơ quan điều tra đã khởi tố bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, hộ khẩu 66A Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) là Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường về hành vi giết người.

Cơ quan công an làm rõ vụ việc theo lời khai của nghi can, sáng ngày 19/10, chị Lê Thị Thanh Huyền đến thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường. Bác sĩ Tường đã thực hiện ca phẫu thuật cho chị Huyền. Tuy nhiên, đến chiều 19/10, sau khi phẫu thuật xong, chị Huyền có biểu hiện tím tái, huyết áp không đo được. Bác sĩ Tường hướng dẫn nhân viên truyền dịch, tiêm thuốc chống sốc, thở ô xy…và làm các biện pháp cấp cứu nhưng sau đó chị Huyền đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường chỉ nơi vứt xác bệnh nhân xuống sông Hồng (ảnh: Việt Đức)

Thấy chị Huyền chết, do sợ trách nhiệm, tối 19/10, bác sĩ Tường dùng ô tô cá nhân cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh (SN 1996) mang xác chị Huyền lên cầu Thanh Trì và vứt xuống sông Hồng.

Sau khi phát hiện vụ việc đến nay, công an thành phố Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai và gia đình nỗ lực tìm kiếm xác nạn nhân ở khu vực dưới chân cầu Thanh Trì và dọc sông Hồng dài hàng trăm km qua nhiều tỉnh, thành nhưng đến sáng 27/10 vẫn chưa tìm thấy thi thể chị Huyền.

Vụ việc này gây chấn động dư luận xã hội và dấy lên quan ngại về vấn đề y đức, đạo đức của thầy thuốc hiện nay. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải lên tiếng trả lời dư luận về vấn đề này.

Cháy nhà xưởng của công ty Diana, thiệt hại 20 triệu USD

Khoảng 14h ngày 25/10, nhà xưởng của Công ty Diana ở cụm công nghiêp Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã bị cháy và ngay lập tức lan ra cả khu xưởng khoảng 4.000m2 bên cạnh, làm sập toàn bộ tường và mái tôn.

Thượng tá Trần Quang Tuân, Trưởng phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, thiệt hại về kinh tế do vụ cháy gây ra chưa thống kê được bởi phần lớn các giấy tờ sổ sách liên quan đang nằm trong đống đổ nát, nhưng theo lãnh đạo nhà máy, ước sơ bộ thiệt hại lên đến 20 triệu USD. Nguyên nhân vụ cháy đang được Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành điều tra, làm rõ.

Lực lượng PCCC đang nỗ lực dập tắt ngọn lửa (ảnh: Việt Đức)

Cũng trong ngày 25/10 đã xảy ra 2 vụ cháy nữa: Vào 18h45, xảy ra tại chợ trung tâm huyện Hải Hà thiêu rụi khoảng 150 kiốt nằm trong khuôn viên chợ. Vào khoảng 22h30 ngày 25/10 xảy ra tại Công ty cổ phần Đại Kim (công ty chuyên sản xuất các mặt hàng mút xốp) ở số 2, đường Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội.  

Xe khách lao xuống vực ở Lào Cai làm 7 người chết

Chiều tối 25/10, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã xảy ra tại km 74 + 200, Quốc lộ 279, thuộc xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai làm 7 người chết, 39 người bị thương.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết đây là xe khách đi từ Hải Phòng lên Lào Cai đi lễ chùa Bảo Hà, các nạn nhân trong vụ tai nạn đều là người Hải Phòng.

Chiếc xe khách bị nạn nằm dưới vực sâu (ảnh: Vũ Thắng)

“Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Tai nạn xảy ra tại đoạn cua và khó đi, trong khi đó lái xe lại không quen đường nên trong lúc đang xuống dốc đã bị mất phanh, mất lái và lao xuống vực sâu khoảng 30 mét. Đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu.”

39 người bị thương đã được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Chìm xuồng ở Bình Phước làm 7 người chết

Chiều 23/10, đã xảy ra vụ lật xuồng trên sông Măng (địa phương xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) làm 7 người chết. Chiếc xuồng gặp nạn của gia đình bà Nguyễn Thị Nê chở khoảng 40 người. Do quá tải nên khi ra giữa dòng sông nước chảy xiết ùa vào xuồng khiến tất cả hoảng loạn rồi một số người đã nhảy xuống sông. Lúc này xuồng chòng chành nước tràn vào nhiều hơn khiến bị chìm.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nê vẫn thường xuyên đưa đón người dân đi làm rẫy ở khu vực biên giới bằng xuồng qua đoạn sông Măng. Hiện, công an huyện Lộc Ninh đã bắt giam 2 vợ chồng bà Nêđể phục vụ công tác điều tra. Theo cơ quan điều tra, chiếc xuồng của vợ chồng bà Nê sử dụng để chở người không có đăng ký, đăng kiểm. Ngay cả hai vợ chồng chủ xuồng cũng không có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa và đã chở quá tải dẫn đến tai nạn./.