>> Khởi tố 4 đối tượng ăn cắp có tổ chức tại chợ đêm Đồng Xuân
Chuyện xảy ra vào một ngày trung tuần tháng 11/2010 tại một cửa hàng mỹ phẩm danh tiếng ở trung tâm Thủ đô. Một phụ nữ khá cao, bụng mang thai gần đến kỳ sinh nở bước vào. Thị tỏ ra nóng bức nên cởi áo khoác vắt trên tay. Sau khi xem xét một số mỹ phẩm, thị mua một thỏi son. Trong suốt quá trình xem xét, mua hàng, thị không ngừng đảo mắt quan sát, và phát hiện một phụ nữ đang mải xem hàng, để túi xách lên ghế cạnh quầy hàng. Đúng lúc chủ nhân chiếc túi hỏi han nhân viên cửa hàng, thị đi qua, chiếc áo khoác trên tay trùm lên chiếc túi xách rồi thị đi lướt qua. Chủ nhân chiếc túi cầm túi lên không hề hay biết chuyện xảy ra. Chỉ đến khi cần đến tiền, mở túi ra, thì ôi thôi, chiếc ví đã không cánh mà bay.
Đối tượng Lê Thị Hương |
Khi bị theo dõi rồi bị bắt giữ tại cơ quan công an ngày 26/11, người ta biết được rằng, đối tượng Hương này từng có 2 tiền án. Năm 2008, Công an quận Hoàn Kiếm đã từng bắt giữ thị vì tội trộm cắp tại chợ đêm Đồng Xuân cùng nhóm với 3 đối tượng khác (VOVNews đã từng có bài viết về nhóm này-PV). Gần đây, thị tiếp tục gây trộm cắp trên địa bàn quận Đống Đa và bị cơ quan điều tra bắt giữ, nhưng do đối tượng đang mang thai tháng thứ 9 nên phải tạm tha, chưa thi hành án.
Trong ngày 28/11, cơ quan Công an làm thủ tục tạm tha Lê Thị Hương, vì thị mang thai gần đến kỳ sinh nở. Trung tá Nguyễn Hùng Sơn, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH – Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tạm tha là do tính chất pháp luật, không giam giữ người mang thai. Đợi sau khi thị sinh nở xong, cơ quan Công an sẽ tiếp tục điều tra, truy tố, xử lý tiếp đối với hành vi trộm cắp tài sản”.
Được biết, cũng trong ngày 28/11, Lê Thị Hương đã vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Bệnh viện C trước đây) để sinh con.
Cùng xem hàng, rồi… ăn cắp
Công an Quận Hoàn Kiếm cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn quận xảy ra nhiều vụ mất cắp tài sản trong các cửa hàng bán quần áo thời trang, mỹ phẩm, cửa hàng gội đầu… Nguyên nhân chủ yếu là do chủ cửa hàng và khách hàng sơ hở, chủ quan, để túi tiền ở quầy hoặc treo ở móc ngoài khi thử quần áo, chọn lựa sản phẩm. Phương thức thủ đoạn hoạt động chủ yếu của tội phạm là một nhóm đối tượng từ 2-4 tên đi vào các cửa hàng kinh doanh, giả vờ hỏi xem hàng hóa, thử đồ nhằm đánh lạc hướng chủ kinh doanh hoặc khách hàng. Lợi dụng sơ hở của chủ- khách, đối tượng trộm đồ rồi tẩu thoát.
Có thể nêu một vài vụ điển hình như sau:
Ngày 1/9/2010, chị Nguyễn Kim Anh, sinh năm 1980, vào cửa hàng 44 phố Hàng Cót sơn sửa móng chân để túi xách bên cạnh. Sau đó có một phụ nữ vào cửa hàng ngồi cạnh, lợi dụng chị Kim Anh không để ý, đối tượng đã lấy cắp ví trong túi xách, trong ví có 1.000 USD, 200 AUD, 25 triệu đồng rồi tẩu thoát.
Ngày 10/9/2010, chị Tô Yến Nhi, sinh năm 1984, trình báo vào cửa hàng 18 phố Hàng Bồ mua quần áo; khi chị thử quần áo có treo túi xách ở ngoài, khi đó có 2 phụ nữ đi vào. Sau khi thử quần áo xong, chị Nhi phát hiện ví tiền trong túi xách đã bị mất, trong ví có 1.000 EUR, 16 triệu đồng. Hai phụ nữ đã đi mất.
Ngày 19/11/2010, chị Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1960, là chủ cửa hàng đồng hồ tại 44 phố Đồng Xuân tình báo có 1 phụ nữ cùng 1 cháu bé khoảng 5-6 tuổi vào cửa hàng hỏi mua đồng hồ, sau một lúc xem hàng và mặc cả, người phụ nữ nói ra xe lấy tiền rồi đi mất. Chị Thủy phát hiện bị mất một túi xách trong đó có 10 triệu đồng, 50USD cùng toàn bộ giấy tờ.
Ngày 19/11/2010 chị Lưu Thị Thu Hoài, sinh năm 1977, là quản lý cửa hàng thời trang tại 104 phố Hàng Gai trình báo có 2 phụ nữ người nước ngoài đến xem và thử quần áo, nhưng không mua và bỏ đi. Sau đó chị phát hiện bị mất một ví trong đó có 30 triệu đồng, 1.600 USD, 2 thẻ tín dụng và một số giấy tờ khác.
4 đối tượng ăn cắp điện thoại di động tại Chợ đêm Đồng Xuân, Lê Thị Hương ở góc phải phía dưới
Chị em phụ nữ, hãy tự bảo vệ mình
Trung tá Nguyễn Hùng Sơn khuyên, chị em phụ nữ khi đi mua sắm chỉ nên đem theo tiền đủ dùng, không nên đem theo nhiều tiền quá, vì nếu có bắt được tội phạm thì việc khắc phục hậu quả cũng rất khó. Khi vào các cửa hàng, mỗi người nên tự bảo quản tài sản của mình, không nên quá tin vào sự bảo vệ của người khác. Đối với chủ cửa hàng kinh doanh, nên tăng cường nhân viên bán hàng, quán xuyến bảo vệ khách hàng. Thứ ba, từng cửa hàng nên lắp đặt camera để theo dõi, bảo quản chung tài sản cho mình và cho khách hàng.
Thực tế cho thấy, nhiều người bị hại không muốn đến cơ quan Công an trình báo, hoặc khi trình báo cũng không kể hết sự việc, Trung tá Nguyễn Hùng Sơn cho rằng: “Những người ngại trình báo Công an, hoặc không khai báo hết sự thực là do chưa hiểu rõ về pháp luật. Khi bị mất tài sản, người bị hại nên trình báo, cùng cộng tác với Công an, để cơ quan điều tra đủ căn cứ sàng lọc đối tượng. Nếu không thì việc điều tra sẽ rất khó khăn. Mỗi người cũng cần phải có trách nhiệm với cộng đồng”./.